LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE
Thương mại Thương mại
Bàn giải pháp mở rộng thị trường và thúc đầy hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm 2014

Nhằm đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của tỉnh 6 tháng đầu năm 2014 và dự báo tình hình thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm để từ đó đề ra các giải pháp nhằm tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định.


Các đại biểu tham gia giải đáp các thắc mắc, kiến nghị tại buổi tọa đàm

Ngày 19/8/2014, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức buổi tọa đàm với các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với mục đích là trao đổi, thảo luận giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp. Cụ thể là nghe các doanh nghiệp trình bày những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những vấn đề cần được các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ để phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2014 và chuẩn bị cho kế hoạch 2015.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn; Ban Quản lý các Khu Công nghiệp; Cục Thuế; Cục Hải Quan; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh BR-VT và một số Ngân hàng thương mại đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là có sự tham dự của các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, đây cũng là những doanh nghiệp đóng vai trò tích cực trong việc gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất xuất khẩu của tỉnh.

Tại buổi tọa đàm , Sở Công Thương đã đánh giá tình hình xuất khẩu chung của Tỉnh 6 tháng đầu năm 2014 cũng như những tháng còn lại của năm được dự báo vẫn tiếp tục gặp khó khăn và thách thức lớn cụ thể : Sự phục hồi của kinh tế thế giới chậm cải thiện, các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản dù có nhiều thông tin tích cực và đang đà phục hồi nhưng tăng trưởng vẫn chậm. Hơn nữa, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với thị trường đầu ra đang bị thu hẹp do chính sách bảo hộ từ các nước nhập khẩu thông qua hàng rào kỹ thuật ngày càng tăng và cạnh tranh ngày càng mạnh từ các nước xuất khẩu đối với các mặt hàng hải sản, nông sản và may mặc là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu.Mặt khác, Trung Quốc là thị trường truyền thống và có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Những căng thẳng trên biển Đông trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong đó có doanh nghiệp của Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các ngành chức năng và các doanh nghiệp của Tỉnh có thể rà soát lại toàn bộ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước cũng như xuất khẩu. Đồng thời, định hướng lại nền sản xuất theo hướng bền vững, đặc biệt là các mặt hàng nông – hải sản và may mặc cả về nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào và sản phẩm xuất khẩu đầu ra.

Sáu tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của toàn tỉnh (kể cả dầu thô) đạt 8,572 tỷ USD, tăng 25,84% so với cùng kỳ và đạt 56,85% kế hoạch năm. Trừ dầu, xuất khẩu 6 tháng đạt xấp xỉ 1,07 tỷ USD, tăng 9,58% so với cùng kỳ và đạt 49,12% kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 232,462 triệu USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ và đạt 56,98% kế hoạch năm; doanh nghiệp FDI đạt 837,318 triệu USD, tăng 5,88% so với cùng kỳ và đạt 47,31% kế hoạch năm. Tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm 97,29%, không kể dầu thô chiếm 78,27% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Về nhập khẩu: Nhập khẩu  6 tháng đầu năm 2014 đạt 1,325 tỷ USD, tăng 2,26% so với cùng kỳ và đạt 48,75% kế hoạch năm. Trong đó, nhập khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 98,727 triệu USD, giảm 27,52% so với cùng kỳ và đạt 55,33% kế hoạch năm; nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 1,227 tỷ USD, tăng 5,75% so với cùng kỳ và đạt 48,29% kế hoạch năm.

Biểu đồ Kim ngạch xuất khẩu phân theo thành phần kinh tế

Cũng tại buổi tọa đàm những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tác động đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng xuất khẩu được nêu ra chủ yếu tập trung vào những vấn đề như: quy định kiểm tra tải trọng xe đã làm cho chi phí vận chuyển tăng cao 2,5 lần và thiếu phương tiện vận tải, từ đó làm tăng chi phí sản xuất cũng như xuất khẩu, kéo theo lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm. Các vấn đề liên quan đến thuế; vốn sản xuất kinh doanh; về tình hình cung cấp điện; về nguyên vật liệu, chi phí đầu vào; về thị trường tiêu thụ; và các vấn đề liên quan đến cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài cũng như chất lượng nguồn nhân lực.

Qua buổi tọa đàm một số khó khăn, vướng mắc do các doanh nghiệp nêu ra đã được đại diện các Sở, ngành giải đáp và đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng. Những vấn đề chưa được giải quyết tại buổi tọa đàm các Sở, ngành đã hướng dẫn doanh nghiệp có văn bản gửi các cơ quan liên quan đề nghị giải quyết trong thời gian sớm nhất; nếu vượt quá thẩm quyền thì Sở Công Thương sẽ là đầu mối tổng hợp đề nghị UBND tỉnh hoặc kiến nghị Bộ Công Thương giải quyết theo thẩm quyền.

Đại diên doanh nghiệp tham giam trao đổi tại buổi tọa tàm

Mục tiêu và giải pháp cho những tháng còn lại của năm 2014 là xuất khẩu (trừ dầu) đạt 2,191 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu 6 tháng cuối năm phải đạt 1,108 tỷ USD (bình quân 184,703 triệu USD/ tháng). Về nhập khẩu 6 tháng cuối năm còn lại là 1,393 tỷ USD, bình quân 232,245 triệu USD/ tháng. Để đạt được các mục tiêu trên, Sở Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo điều hành và thực hiện một số giải pháp chính gồm:

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: Rà soát, đánh giá lại chất lượng toàn bộ các ngành hàng của các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu sang Trung Quốc; Qua đó định dạng lại chất lượng sản phẩm để có giải pháp hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu đủ điều kiện có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau như thị trường khu vực ASEAN (Lào, Campuchia, Myanmar). Về lâu dài, doanh nghiệp cần chủ động chuyển hướng chiến lược phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với hàng rào kỹ thuật các nước để xâm nhập vào các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Nga và Hoa Kỳ. Sở Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến Thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công Thương tổ chức tại thị trường các nước đang phát triển như Bắc Mỹ, EU, Bắc Á. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, các thị trường này đang có nhu cầu rất lớn các sản phẩm có thế mạnh của BR-VT như nông sản – thủy sản, hàng dệt may, vật liệu xây dựng v.v…

Xúc tiến thương mại nội địa, phát triển thị trường trong nước: Sở Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan và doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện một số giải pháp gồm: Lập kế hoạch và triển khai các chương trình liên kết, làm việc với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để giới thiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh và kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp các địa phương. Xác định các mặt hàng thế mạnh của tỉnh, qua đó tạo dựng chuỗi giá trị bằng cách đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ để chủ động và tạo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Mặt khác, Sở Công Thương sẽ là đầu mối xây dựng kế hoạch liên kết sản xuất, cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp trong khu vực, trước hết là khu vực Đông Nam bộ.

Với sự bắt tay vào cuộc của các sở, ngành liên quan cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo tỉnh và quyết tâm cao của các doanh nghiệp; Hy vọng rằng mục tiêu xuất khẩu năm 2014 của tỉnh có thể đạt được chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ Tỉnh đã đề ra và để tạo đà cho năm 2015 và những năm tiếp theo phát triển .

Nguyễn Xuân Hải – PP.QLTM