LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE
Xúc tiến thương mại Xúc tiến thương mại
Nỗ lực xây dựng thương hiệu hàng Việt

Hiện nay, nhiều sản phẩm “Made in Bà Rịa - Vũng Tàu” đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng cả nước. Đó là kết quả từ nỗ lực xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm và đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.

Nâng cao chất lượng, mở rộng kênh tiêu thụ

Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến XNK thủy sản BR-VT (Baseafood) - một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành chế biến hải sản cho biết: “Sản phẩm phục vụ thị trường trong nước cũng như hàng xuất khẩu, muốn chiếm được niềm tin của khách hàng thì chất lượng phải luôn được bảo đảm”.

Theo ông Dũng, DN phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, đồng thời không ngừng nghiên cứu thị trường, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng. Thời gian qua, Baseafood tập trung nghiên cứu đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm và đầu tư, lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại, có khả năng bảo quản, chế biến các sản phẩm cao cấp. Công ty cũng đã xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn nguyên vật liệu đầu vào. Nhờ những giải pháp này, đến nay nhiều mặt hàng của công ty đạt doanh thu khá tại thị trường trong nước như cá chỉ vàng, bạch tuộc, cá mối...

Để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, Baseafood đã xây dựng chuỗi các siêu thị bán lẻ ở BR-VT, Đồng Nai và nhiều địa phương khác. Anh Nguyễn Phước Sang, một khách du lịch đến từ Đồng Tháp sau khi bỏ ra gần 2 triệu đồng mua các sản phẩm như mực khô, cá đù một nắng, cá hồng một nắng... tại Siêu thị Baseafood (460 Trương Công Định, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Lần trước khi đến Vũng Tàu, tôi được bạn giới thiệu tới nơi này để mua quà cho người thân. Lần này, ghé lại tôi thấy sản phẩm phong phú hơn, còn chất lượng thì tôi đã biết rồi. Gia đình tôi đặc biệt thích món cá hồng một nắng của Baseafood”.

Với phương châm coi trọng chất lượng sản phẩm, ngay từ đầu Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân (huyện Tân Thành) đã đầu tư xây dựng hệ thống hầm sấy gạch kiểu mới theo công nghệ Bungari vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nhiên liệu, lại không gây ô nhiễm môi trường.      Ông Lưu Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân, cho biết: “Vật liệu xây dựng là một trong những lĩnh vực rất khó tiếp cận được thị trường các địa phương. Dù vậy, đến nay công ty đã mở rộng được kênh phân phối rộng khắp các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào với hơn 300 nhà phân phối sản phẩm nhằm đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng”. Việc này đã góp phần đưa doanh thu của DN tăng đều đặn trong thời gian qua. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2014, Công ty đã tiêu thụ được 54,3 triệu sản phẩm quy chuẩn (gồm gạch, ngói, đất sét nung, ngói màu, ngói mên...) đạt doanh thu 105,8 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2013.

Chú trọng thị trường nông thôn

Cùng với việc mở rộng mạng lưới phân phối bán lẻ ở nhiều địa phương trong cả nước, 5 năm qua, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, các DN luôn chú trọng đẩy mạnh khai thác thị trường nông thôn, hải đảo. Trong 5 năm, Trung tâm xúc tiến thương mại đã phối hợp với các DN trên địa bàn tỉnh tổ chức được 60 đợt đưa hàng Việt về nông thôn tại 232 điểm bán hàng trên địa bàn tất cả các huyện, thành phố; thời gian thực hiện là 467 ngày; tổng doanh thu đạt gần 47 tỷ đồng, giá trị khuyến mãi cho người tiêu dùng khoảng 7,6 tỷ đồng; thu hút gần 680 nghìn lượt khách tham quan, mua sắm. Trong đó, có 9 phiên chợ cho công nhân tại các KCN, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng, thu hút khoảng 23 nghìn lượt khách tham quan và mua sắm.

Chương trình “Hàng Việt về nông thôn” đã tạo hiệu ứng tích cực về tiêu thụ hàng Việt trên thị trường chung. Trước hết là nó tạo ra những thay đổi trong cung cách buôn bán ở chợ truyền thống. Để không “thua” các phiên chợ “hàng Việt về nông thôn”, các tiểu thương ở chợ phải chấp nhận cạnh tranh về giá, thay đổi cách buôn bán văn minh và biết cách chăm sóc khách hàng. Thứ hai, và là điều quan trọng hơn, hàng Việt về nông thôn đã làm thay đổi tâm lý “sính ngoại” của  nhiều người. Chị Nguyễn Mai Lan, nhà ở xã Mỹ Xuân (huyện Tân Thành) cho biết, trước đây chị có ấn tượng xấu với những phiên hội chợ, bởi tâm lý hàng hóa đưa về nông thôn là hàng kém chất lượng, không được bảo hành. “Bây giờ tôi tin tưởng vào chất lượng hàng hóa Việt Nam bán ở các phiên chợ hàng Việt, hơn nữa có cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức thì mình cũng yên tâm”, chị Nguyễn Mai Lan nói. Thứ ba, như lời ông Trương Văn Thôi, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh thì qua những đợt đưa “hàng Việt về nông thôn”, các DN đã nhận ra rằng nông thôn là thị trường nhiều tiềm năng mà lâu nay họ chưa quan tâm nhiều, hoặc thậm chí bỏ ngỏ. Từ đó các DN có cơ hội mở rộng sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm và cơ cấu lại thị trường.

baobariavungtau.com.vn

 Top of Form