Ngày 12/12/2014 UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án chương trình xúc tiến xuất khẩu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2014 – 2016.
Mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu những ngành hàng tiềm năng và thế mạnh của tỉnh tiếp cận giao thương, học tập kinh nghiệm với các doanh nghiệp nước ngoài, nắm bắt được thông tin, định hướng thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo lập uy tín thương hiệu trong hoạt động kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, đồng thời mang lại hiệu quả chung cho toàn xã hội. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết lập các mối quan hệ kinh doanh với các đối tác thông qua các hoạt động giao thương, tiếp xúc khách hàng tại các hội chợ triển lãm.
Đề án cũng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm đến các thị trường trọng điểm cũng như tiềm năng, nắm bắt thông tin cần thiết về cơ chế, chính sách, các hiệp định thương mại với các nước để tận dụng lợi thế trong kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao các kỹ năng đàm phán, xúc tiến thương mại, tiếp cận các phương pháp kinh doanh hiện đại, kinh nghiệm cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Các mặt hàng xuất khẩu tập trung xúc tiến trong giai đoạn này bao gồm: Mặt hàng thủy sản chết biến, tiêu, vật liệu xây dựng, thép, và các mặt hàng cơ khí công nghệ cao.
Quyết định cũng đưa ra các giải pháp nhằm pháp hoàn thiện hoạt động xúc tiến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như nâng cao tiềm lực của Trung tâm xúc tiến thương mại. Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu. Cũng như giải pháp tạo ra nguồn hàng có khả năng cạnh tranh trên thị trường tạo tiền đề cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu.
Trong đó, đối với mặt hàng thủy sản chế biến các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc nghiên cứu hoặc liên kết với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học để nhận chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công nghệ chế biến surimi để từ các loài cá kém giá trị kinh tế chế biến thành sản phẩm giá trị gia tăng (sản phẩm giả tôm, cua,…). Tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo HACCP, SQF, ISO trong chế biến thủy sản. Áp dụng công nghệ sản xuất sạch và xanh trong các hoạt động chế biến thủy sản thông qua việc đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại, thay thế và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong chế biến thủy sản. Thường xuyên nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong các cơ sở chế biến thủy sản, xây dựng cơ chế, chính sách, nội quy về môi trường trong cơ sở chế biến. Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định chung. Tăng cường công tác bảo quản chất lượng sản phẩm khai thác.
Đối với mặt hàng tiêu Tỉnh cần có cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ về xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tiêu trên địa bàn tỉnh. Triển khai việc xây dựng thương hiệu hồ tiêu của tỉnh.Hỗ trợ cho các nông hộ đầu tư trang thiết bị chế biến sản phẩm hồ tiêu. Đẩy mạnh phát triển sản xuất hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP.
Mặt hàng vật liệu xây dựng, về phía doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình thị trường, để có giải pháp điều hành phù hợp với cung - cầu thị trường. Đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng phục vụ xuất khẩu. Khai thác, tận dụng nguyên liệu trong nước nhằm giảm chi phí sản xuất. Đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ, tiếp thị, kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng. Cần khảo sát các thị trường trọng điểm để tìm ra đối sách thâm nhập, phát triển và giữ vững thị trường; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại.
Đối với mặt hàng thép cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, tìm hiểu xu hướng tiêu dùng. Áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng các công nghệ hiện đại để giảm giá thành.
Các giải pháp đối với mặt hàng cơ khí công nghệ cao Tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, tận dụng các nguồn nguyên liệu, linh kiện trong nước. Từng bước giảm dần việc nhập khẩu nguyên liệu. Từng bước xây dựng, cải tiến mẫu mã, kiếu dáng, nhằm tăng thêm giá trị của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất và hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng lao động.
Đình Hiệp