Doanh nghiệp cần nắm rõ lộ trình cắt giảm thuế
Sau khi được chính thức ký kết ngày 29/5/2015, nội dung Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (FTA Việt Nam - EAEU) đã được Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan phổ biến rộng rãi tới các doanh nghiệp Việt Nam. Dự kiến giữa tháng 11/2015, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thuế suất ưu đãi theo giai đoạn 2016-2018, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế trong FTA Việt Nam - EAEU. Ảnh: TCCT
Liên minh kinh tế Á - Âu (Liên minh) được đánh giá có bảo hộ thuế quan rất cao và Việt Nam là thị trường đầu tiên được hưởng ưu đãi thuế quan vào thị trường này.
Lợi thế cho các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh
Theo các chuyên gia của Bộ Công Thương, so với các FTA khác, FTA Việt Nam - EAEU được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Cụ thể, đối với ngành dệt may, 82% dòng thuế cam kết sẽ được cắt giảm, trong đó 36% dòng thuế sẽ được về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 42% dòng thuế sẽ được xóa bỏ hoàn toàn trong lộ trình tối đa 10 năm. Ngành giày dép, túi xách sẽ có 77% dòng thuế được cắt giảm, trong đó 73% (tương đương 99% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này) sẽ được xóa bỏ hoàn toàn trong lộ trình tối đa 5 năm. Riêng mặt hàng túi xách, 100% dòng thuế được cam kết xóa bỏ thuế quan hoàn toàn và phần lớn là cắt giảm ngay. Ngành thủy sản có 95% dòng thuế mở cửa hoàn toàn, trong đó 71% dòng thuế (tương đương 100% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này) được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực…
Cùng với việc cắt giảm thuế, so với các FTA mà Việt Nam đang tham gia, các cam kết về quy tắc xuất xứ của FTA Việt Nam - EAEU có độ mở lớn, tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt với mặt hàng dệt may có được thuận lợi lớn khi áp dụng quy tắc xuất xứ một công đoạn. Với các mặt hàng thủy sản, chè cũng được áp dụng quy tắc xuất xứ cho phép nhập khẩu nguyên liệu nếu đáp ứng được tỷ lệ nội khối 40%. Đối với ngành da giày, Hiệp định cũng chỉ áp dụng quy tắc xuất xứ đối với mũ da, còn nguyên liệu vẫn được nhập khẩu mà không bị khống chế tỷ lệ giá trị gia tăng 40%...
Về phần mình, Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Theo đại diện Bộ Tài chính, các mặt hàng này về cơ bản không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước. Mặt khác, các ngành hàng trong khối xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Do đó, việc áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi cho các nhóm hàng này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam hạ giá thành nguyên liệu đầu vào, nâng cao giá trị cạnh tranh.
Lưu ý về phòng vệ thương mại
Theo đánh giá của các chuyên gia Bộ Công Thương, một trong những lưu ý với các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực hiện FTA này là các quy định về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá… Về cơ bản, sau khi hình thành liên minh đã có hệ thống nội luật của khối về phòng vệ thương mại. Đây là cơ sở để liên minh tiến hành khởi xướng điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Liên minh. Điều này có nghĩa khi tham gia vào EAEU, các quy định thuộc các hiệp định khung của WTO sẽ áp dụng đối với cả các thành viên của EAEU. Do đó, về cơ bản các hiệp định về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của WTO sẽ áp dụng đối với toàn khối trên cơ sở cam kết của Nga.
Đặc biệt theo cam kết, khi Việt Nam tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với khối EAEU, các nước Thành viên khối EAEU sẽ được xem xét độc lập thay vì cả khối. Trừ khi tồn tại trợ cấp của khối áp dụng cho tất cả các nước thành viên EAEU, Việt Nam có thể tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với cả khối.
Đánh giá về nguy cơ các biện pháp phòng vệ thương mại từ EAEU, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương cho biết, theo thống kê chính thức, đến nay EAEU đã khởi xướng điều tra và áp dụng 12 vụ việc phòng vệ thương mại trong đó 60% sản phẩm thuộc đối tượng điều tra là thép và các sản phẩm liên quan, còn lại là nhóm sản phẩm về hóa chất, đồ làm bếp và phương tiện vận tải. Xét theo cơ cấu trong mối tương quan với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, khả năng thép là sản phẩm có nguy cơ cao bị EAEU xem xét điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại lớn nhất. Với các nhóm hàng cam kết mở cửa ngay (trong đó có nhiều hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: thủy sản, dệt may, da giày, điện thoại, máy móc, các sản phẩm nông sản) là các sản phẩm mà thị trường EAEU cần nhập khẩu. Như vậy, EAEU không sản xuất các sản phẩm này hoặc có sản xuất nhưng đặc tính sản phẩm không cạnh tranh với nhau, do đó tính cạnh tranh trực tiếp là không có.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần quan tâm về quy tắc xuất xứ, hiệp định áp dụng điều khoản mua bán trực tiếp đối với hàng hóa xuất khẩu. Theo đó, các lô hàng xuất khẩu phải được vận chuyển trực tiếp từ Việt Nam sang các nước trong Liên minh và chỉ được quá cảnh khi chứng minh được đó là điều cần thiết.
Về cam kết thuế nhập khẩu với EAEU: khoảng 53% tổng số dòng thuế sẽ xóa bỏ xuống 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. 3 năm sau (2018) sẽ tiếp tục cắt giảm 1,5% dòng thuế (chế phẩm từ thịt cá và rau củ quả, phụ tùng máy nông nghiệp, máy biến thế, ngọc trai, đá quý...). 5 năm sau đến năm 2020 sẽ tiếp tục cắt giảm 22,1% dòng thuế (giấy, thủy sản, nội thất, máy móc thiết bị, rau quả, sản phẩm sắt thép...). năm 2022 sẽ xóa bỏ tiếp 1% dòng thuế (bộ phận phụ tùng ô tô, một số loại động cơ ô tô xe máy, sắt thép...). Năm 2026 sẽ xóa bỏ 10% dòng thuế (rượu bia, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, ô tô nguyên chiếc (xe tải, xe buýt, ô tô con, ô tô trên 10 chỗ)...
Nguồn: Tạp chí Công Thương