LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE
Thương mại Thương mại
Phát triển thị trường xuất khẩu khu vực

Ngày 24/8/2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1467/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đề án này đưa ra định hướng cụ thể phát triển thị trường, mặt hàng trọng điểm tại từng thị trường khu vực như sau:

- Khu vực Đông Nam Á: Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và các thị trường còn nhiều tiềm năng xuất khẩu là Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma.

Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, nguyên liệu đầu vào là sản phẩm trong nước; tiếp tục đẩy mạnh và duy trì xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như gạo, thực phẩm, rau quả, cà phê, ca cao, sản phẩm cao su, thủy sản.

- Khu vực Đông Bắc Á: Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc theo hướng cân bằng thương mại và Nhật Bản theo hướng duy trì ổn định thặng dư thương mại.

Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản nhóm hàng dệt may, thủy sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm ngũ cốc, rau quả đông lạnh và tươi sống, sắn và các sản phẩm từ sắn, giày dép, xơ sợi dệt các loại, sản phẩm cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, hàng gia dụng, sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử tin học.

- Thị trường nói tiếng Trung Quốc: Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan nhằm giúp giảm dần nhập siêu, giảm xuất khẩu nguyên nhiên liệu thô, tăng cường xuất khẩu mặt hàng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng nguyên liệu đầu vào xuất xứ trong nước.

Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản gồm rau quả, thủy sản, thịt gia súc gia cầm, hạt điều, sắn lát, sản phẩm cao su; nhóm hàng công nghiệp gồm sản phẩm dệt may, giày dép, sản phẩm nhựa, máy vi tính và linh kiện, dây và cáp điện, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, gỗ nội thất nguồn gốc tự nhiên...

- Châu Đại Dương: Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Ô-xtrây-li-a và Niu-Di-Lân.

Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng có hàm lượng công nghệ cao (điện thoại, máy ảnh và linh kiện); đồng thời nghiên cứu, phát triển xuất khẩu nhóm hàng dệt may, rau quả, cà phê, ca cao, sản phẩm cao su, phân bón.

- Châu Âu: Đẩy mạnh xuất khẩu nhằm duy trì vững chắc và mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường Đức, Pháp, Hà Lan, Anh, I-ta-li-a và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu.

Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, sản xuất chế tạo và chế biến có giá trị gia tăng cao nhằm khai thác tốt lợi thế về thuế khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực; đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm cao su, hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, dệt may, thủy sản, cà phê, chè, hạt tiêu, điện tử, điện thoại; đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước là thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu nhóm hàng thực phẩm, gạo, dệt may, đồ da, đồ gỗ, thủy sản, hàng điện tử, điện thoại.

- Châu Mỹ: Tiếp tục củng cố và mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô; thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chi Lê, Pê-ru.

Về mặt hàng, đối với thị trường Hoa Kỳ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô, thúc đẩy xuất khẩu những nhóm hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt nhóm hàng dệt may, da giày, điện, điện tử, đồ gỗ, cơ khí; đối với khu vực Mỹ La-tinh, thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng giày dép, ba lô, túi xách, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, điện, điện tử, cơ khí, động cơ điện, thiết bị máy móc, đồ gỗ.

- Châu Phi: Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Ai Cập, An-giê-ri, Ma- rốc, Cộng hòa Nam Phi, Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích, Bờ Biển Ngà, Gha-na, Ni-giê-ri-a, Xê-nê-gan, Ê-ti-ô-pi-a, Kên-ny-a, Tan-da-ni-a, Ca-mơ-run và Cộng hòa Công-gô.

Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng gạo, cà phê, hạt tiêu, điện thoại di động, thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, xơ sợi dệt các loại.

- Tây Á: Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-Út, I-xra-en, Li-băng.

Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện tử gia dụng, dây và cáp điện, vật liệu xây dựng, nông sản các loại, thực phẩm chế biến, thủy sản, sợi, dệt may, giày dép, sữa và sản phẩm sữa, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ, gốm sứ, sắt thép, hàng thủ công mỹ nghệ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.

- Nam Á: Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Băng-la-đét và Xri Lan-ca.

Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, lương thực, chè, cà phê, sản phẩm cao su, hạt tiêu, nhiên liệu, thiết bị điện và điện tử, nhựa và sản phẩm nhựa, sản phẩm gỗ.

Ngoài ra trong đề án này nêu giải pháp thực hiện cụ thể: Đẩy mạnh hoạt động đàm phán song phương, đa phương; Xúc tiến thương mại; Phát huy vai trò của Cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài trong công tác phát triển thị trường; Củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; Ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và tranh chấp thương mại quốc tế; Nâng cao năng lực của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp.

Anh Thư