LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE
Thương mại Thương mại
Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc

Ngày 18 tháng 11 năm 2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 40/2015/TT-BCT quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc, và ngày 14 tháng 12 năm 2015, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 48/2015/TT-BCT sửa đổi Thông tư số 40/2015/TT-BCT.

Trong phạm vi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của một nước thành viên được coi là có xuất xứ và đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan nếu hàng hóa đó đáp ứng một trong các quy định về xuất xứ sau: a- Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu; b- Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu, nhưng đáp ứng quy định về hàng hóa có xuất xứ không thuần túy; quy tắc cụ thể mặt hàng; quy định đối với hàng hóa đặc biệt và cộng gộp; c- Được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu chỉ từ những nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam hoặc Hàn Quốc.

Hàng hoá được hưởng ưu đãi thuế quan cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Thông tư này và được vận chuyển trực tiếp giữa các lãnh thổ của các nước thành viên.

Trường hợp hàng hóa đang trong quá trình vận chuyển từ nước thành viên xuất khẩu đến nước thành viên nhập khẩu phải quá cảnh qua một hay nhiều nước không phải là thành viên Hiệp định VKFTA, bên ngoài lãnh thổ của các nước thành viên, vẫn được coi là vận chuyển trực tiếp, với điều kiện: a- Việc quá cảnh là cần thiết vì lý do địa lý hoặc do yêu cầu có liên quan đặc biệt đến vận tải; b- Hàng hoá không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại nước quá cảnh đó; c- Hàng hoá không trải qua bất kỳ công đoạn nào khác, trừ việc dỡ hàng và bốc lại hàng hoặc những công đoạn cần thiết để bảo quản hàng hoá trong điều kiện tốt.

Có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan

Để được hưởng ưu đãi thuế quan, hàng hóa phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo mẫu quy định. Mỗi nước thành viên duy trì việc đăng ký, cập nhật danh sách tên và mẫu con dấu của Tổ chức cấp C/O của nước thành viên đó.

Thông tư cũng nêu rõ danh mục 21 tổ chức cấp C/O của Việt Nam, bao gồm: Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Phòng, Bình Dương, Vũng Tàu, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Tiền Giang, Cần Thơ, Hải Dương, Bình Trị Thiên, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Bình và Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2015.

(Nguồn: Chinhphu.vn)