LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE
Tuyên truyền - phổ biến pháp luật Tuyên truyền - phổ biến pháp luật
Thông tư số 33⁄2015⁄TT-BCT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện.

 Ngày 27 tháng 10 năm 2015, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 33⁄2015⁄TT-BCT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện. Thông tư được ban hành để hướng dẫn thi hành Điểm d Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 14⁄2014⁄NĐ-CP ngày 26⁄2⁄2014 quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện, nhằm thống nhất thực hiện trong phạm vi toàn quốc việc tổ chức kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện.

Theo đó, Thông tư này gồm 11 Điều và 9 Phụ lục, gồm các nội dung chính như sau:

Thứ nhất, Thông tư quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện có tên trong Phụ lục I trước và trong quá trình sử dụng, áp dụng đối với các tổ chức/cá nhân sử dụng thiết bị& dụng cụ điện, các tổ chức kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị & dụng cụ điện và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Thứ hai, sau lần kiểm định đầu tiên (được thực hiện trước khi đưa vào sử dụng thiết bị & dụng cụ điện), các lần kiểm định kế tiếp được thực hiện định kỳ không quá 12 tháng đối với thiết bị phòng nổ (MBA, ĐCĐ, thiết bị phân phối/ đóng cắt, thiết bị điều khiển, MF, Rơ le dòng rò, cáp điện và đèn chiếu sáng) trong môi trường có nguy hiểm về khí cháy và bụi nổ, không quá 36 tháng đối với thiết bị điện điện áp từ 1000V trở lên (Chống sét van, MBA, MC, cáp điện, cầu dao cách ly/cầu dao tiếp địa) và sào cách điện), trừ các thiết bị điện trong dây chuyền đang vận hành không thể tách rời để kiểm định riêng lẻ thì thực hiện theo chu kỳ đại tu dây chuyền thiết bị. Ngoài ra, các thiết bị và dụng cụ điện sẽ được kiểm định bất thường khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi đã khắc phục xong sự cố hoặc theo nhu cầu của tổ chức/cá nhân sử dụng thiết bị & dụng cụ điện. Theo thực tế, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị cần kiểm định an toàn để phù hợp yêu cầu quản lý, điều kiện kỹ thuật công nghệ của các thiết bị.

Thứ ba, các thiết bị  và dụng cụ điện phải được kiểm định theo một quy trình cụ thể, do tổ chức kiểm định xây dựng và được dán tem/cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm định khi kết quả kiểm định đạt yêu cầu.

Thứ tư, tổ chức kiểm định an toàn thiết bị & dụng cụ điện có thể là tổ chức  thực hiện dịch vụ kiểm định hoặc bộ phận kiểm định thuộc tổ chức sử dụng thiết bị & dụng cụ điện. Tổ chức này phải đáp ứng  yêu cầu quy định tại văn bản QPPL hướng dẫn thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp và đã đăng ký hoạt động kiểm định với Bộ Công Thương.Việc đăng ký hoạt động kiểm định và hồ sơ đăng ký được thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư. Tổ chức kiểm định chỉ được phép kiểm định trong phạm vi, đối tượng mà tổ chức đã đăng ký hoạt động kiểm định, phải bảo đảm tính chính xác về năng lực thực hiện kiểm định và chỉ được sử dụng kiểm định viên thuộc tổ chức kiểm định khác khi đã có thỏa thuận hợp tác bằng văn bản với tổ chức của mình để thực hiện kiểm định. Tổ chức kiểm định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm định của kiểm định viên thuộc thẩm quyền quản lý và kiểm định viên thuộc tổ chức kiểm định có thỏa thuận hợp tác bằng văn bản để thực hiện kiểm định.

Thứ năm, tổ chức/cá nhân sử dụng thiết bị & dụng cụ điện có trách nhiệm lập kế hoạch đưa thiết bị, dụng cụ điện đi kiểm định đúng chu kỳ, duy trì và đảm bảo sự phù hợp của thiết bị & dụng cụ điện trong suốt quá trình sử dụng theo các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng tại Việt Nam.

Cuối cùng, về trách nhiệm quản lý nhà nước về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị & dụng cụ điện, Thông tư quy định Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện các quy định tại Thông tư, tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động kiểm định, xem xét và công bố danh sách các tổ chức kiểm định trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, thanh kiểm tra việc thực hiện quy định trong lĩnh vực kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện của các tổ chức kiểm định, các tổ chức/cá nhân sử dụng thiết bị & dụng cụ điện trên phạm vi toàn quốc; các Sở Công Thương theo địa bàn quản lý có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật trong lĩnh vực kiểm định của các tổ chức kiểm định và tổ chức/cá nhân sử dụng thiết bị & dụng cụ điện.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 01 năm 2017, một khoảng thời gian khá dài, 14 tháng kể từ ngày ký ban hành đến ngày có hiệu lực thi hành để các tổ chức kiểm định chuẩn hóa năng lực kiểm định của tổ chức mình, đảm bảo đánh giá đúng về mặt an toàn của thiết bị & dụng cụ điện, giúp tổ chức/cá nhân sử dụng thiết bị điện quản lý rủi ro một cách hữu hiệu.

Xem chi tiết thông tư tại đây

                                                                   Trần Văn Hiếu