LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE
Báo cáo thống kê Báo cáo thống kê
Trao đổi thương mại giữa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực Trung Đông

Năm 2015, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quan hệ thương mại với 09/15 quốc gia trong khu vực Trung Đông, bao gồm: Iraq, Syria, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Israel, Ả rập Xê-út, Ôman, Cộng hòa Síp. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 14,92 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Đông đạt 13,39 triệu USD, tăng 152,38% so với năm 2014.

Trong năm 2015, một số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bà Rịa – Vũng Tàu tính theo kim ngạch bao gồm Cộng hòa Síp (8,1 triệu USD), UAE (2,3 triệu USD), Jordan (1,78 triệu USD).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Bà Rịa – Vũng Tàu sang Trung Đông trong năm 2015 gồm: hàng cơ khí (8,1 triệu USD); xơ, sợi các loại (1,89 triệu USD); hàng hải sản (1,63 triệu USD); giày da (1,19 triệu USD) … Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bà Rịa – Vũng Tàu tại khu vực Trung Đông gồm Cộng hòa Síp, UAE, Jordan.

Tổng số lượng các mặt hàng xuất khẩu sang khu vực Trung Đông trong năm 2015 đã tăng lên 07 nhóm mặt hàng (so với năm 2014 là 05 nhóm mặt hàng), vẫn còn rất thấp so với xuất khẩu sang các thị trường khác. Xuất khẩu của Bà Rịa – Vũng Tàu sang khu vực Trung Đông xét về kim ngạch vẫn còn tập trung vào một số nhóm mặt hàng chủ lực: hàng cơ khí, dệt sợ, hải sản, giày da. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa tận dụng hết cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng mà các nước Trung Đông có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng, sản phẩm nội thất, thực phẩm chế biến v.v …

Kim ngạch nhập khẩu từ khu vực Trung Đông năm 2015 đạt 1,52 triệu  USD, chỉ nhập khẩu từ 01 thị trường duy nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, mặt hàng nhập khẩu là nguyên vật liệu ngành may mặc.

Hiện nay, nền nông nghiệp phần lớn các nước Trung Đông chưa đáp ứng nhu cầu lương thực cho người dân. Do đó, đây là thị trường nhiều tiềm năng cho một số mặt hàng nông sản, thực phẩm. Ngoài ra, xu hướng sử dụng sản phẩm thủy sản thay thế cho thịt trong bữa ăn hàng ngày tại các nước Trung Đông cũng khiến nhu cầu nhập khẩu thủy hải sản ngày càng tăng, do đó, các doanh nghiệp của tỉnh cần có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang khu vực này. Nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác với các nước Trung Đông thời gian tới, cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

Triển khai chương trình xúc tiến thương mại năm 2016 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có nội dung: tổ chức đoàn tham dự hội thảo tại Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thực hiện vào Quý IV/2016 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tìm hiểu thị trường, thông tin về rào cản thương mại, hàng rào thuế quan, tập quán kinh doanh v.v… khi xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của các thương vụ Việt Nam tại khu vực Trung Đông nhằm hỗ trợ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh. Ngoài ra, cần có những đề xuất thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 theo Quyết định 1513/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất thực hiện các nội dung của Quyết định số 1467/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030 để có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng xuất khẩu.

Ái Hằng-P.QLTM