LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ
Xem lợi thế chọn ngành nghề kêu gọi đầu tư

Xem lợi thế chọn ngành nghề kêu gọi đầu tư

 

Cần phát triển ngành đóng tàu và hạn chế sửa chữa nhằm bảo vệ môi trường biển. Trong ảnh: Sửa chữa tàu biển tại Khu công nghiệp Đông Xuyên
Giai đoạn 2012-2015, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung đầu tư phát triển hai lĩnh vực kinh tế mũi nhọn là cảng biển và công nghiệp hỗ trợ. Trong hai lĩnh vực này có rất nhiều ngành nghề liên quan, trong đó phải chọn ra những ngành nghề ưu tiên phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế và định hướng chung của tỉnh. Đây là vấn đề đang được lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng quan tâm.

 

Thời gian gần đây, với liên tiếp những chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh, các nhà đầu tư Nhật Bản tỏ ra rất có thiện chí với việc đầu tư vào hai ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Phía Nhật Bản đề nghị tỉnh xác định các ngành nghề đầu tư vào địa bàn tỉnh để chủ động lựa chọn các doanh nghiệp phù hợp. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng mới đây, ông Murooka Naomichi, chuyên viên phát triển kinh tế Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) cho rằng: “Bà Rịa – Vũng Tàu nên chọn những ngành độc đáo mà chỉ có Bà Rịa – Vũng Tàu mới có tiềm năng phát triển để làm ngành thế mạnh của tỉnh”.

 

Trên cơ sở phân tích những tiềm năng và lợi thế cũng như định hướng phát triển của tỉnh trong tương lai, Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định 5 nhóm ngành nghề để kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào địa bàn tỉnh gồm: Công nghiệp cơ khí chế tạo (chế tạo khuôn mẫu, sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ khai thác dầu khí, đóng tàu, lắp ráp ôtô, xe máy...); Công nghiệp hóa chất (nhựa, cao su); Công nghiệp điện – điện tử ; Sản xuất thép cao cấp; Logistics. Trong đó, xác định 3 ngành có thế mạnh nhất là: Thép cao cấp, hóa dầu và logictics.

 

“Đối với ngành thép, hiện nay Bà Rịa – Vũng Tàu có 17 dự án, nhưng đa số là dự án sản xuất thép xây dựng, duy nhất 1 nhà máy sản xuất thép cao cấp. Vì vậy, để có nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Bà Rịa – Vũng Tàu mong muốn phía đối tác Nhật Bản đầu tư thêm dự án sản xuất thép cao cấp. Tuy nhiên, đối với ngành này cần lưu ý lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tránh tình trạng nhập thiết bị “rác” và xả nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường” – ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói.

 

Với hệ thống cảng biển có chiều dài 21km dọc sông Thị Vải – Cái Mép, Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ có tiềm năng phát triển ngành dịch vụ vận tải biển, mà còn có thể phát triển mạnh ngành đóng tàu. Đây là ngành có lợi thế, nhưng hiện ở nước ta công nghệ ngành này còn kém. Do vậy, nếu tập trung phát triển ngành này, Bà Rịa – Vũng Tàu có thể được coi là một trong những địa phương đi tiên phong. Theo quan điểm của tỉnh, để không ảnh hưởng đến ngành du lịch, cần tập trung phát triển công nghệ đóng tàu, hạn chế sửa chữa.

 

Ngoài ra, cũng cần kết hợp sản xuất các loại máy móc phục vụ cho ngành hàng hải. “Phải có một ngành công nghiệp đóng tàu thực thụ, chứ không đơn thuần là “may tàu” (gia công, lắp ráp) như trước nữa.” – ông Trần Thượng Chí, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định. Cũng theo ông Trần Thượng Chí, đối với ngành công nghệ cơ khí chế tạo, tỉnh nên chọn những nghề có giá trị gia tăng cao, chẳng hạn như sản xuất phụ tùng cho xe ô tô, xe gắn máy, sản xuất các loại máy tàu, máy nông nghiệp.

 

Là cái nôi của ngành công nghiệp dầu khí, Bà Rịa – Vũng Tàu có lợi thế phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Hiện trên địa bàn tỉnh có một dự án hóa dầu của nhà đầu tư Thái Lan đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Trong thời gian tới có thể phát triển thêm một số dự án sản xuất hóa chất, khuôn mẫu nhựa sử dụng nguyên liệu từ ngành hóa dầu. Đây cũng là hướng đầu tư mới, phù hợp với lợi thế so sánh của tỉnh. Ngành điện – điện tử gần như hoàn toàn mới mẻ với Bà Rịa – Vũng Tàu, song về lâu dài cũng nên phát triển nhằm tạo sự kết nối với các vùng lân cận như: Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương.

 

Theo báo BRVT

 

Theo bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương, nhiều năm qua tại các khu công nghiệp của tỉnh, việc kêu gọi đầu tư chủ yếu cho các nhà đầu tư hạ tầng, và hệ quả là trong các khu công nghiệp chưa có sự bố trí hợp lý giữa các ngành nghề, các ngành nghề đầu tư cũng chưa tập trung mạnh vào lợi thế chung của tỉnh. Vì vậy, việc xác định ngành nghề để kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ngay từ bây giờ là rất cần thiết, có ý nghĩa quyết định hiệu quả đầu tư sau này.