LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE
Thương mại Thương mại
Triển khai thi hành Luật Quản lý ngoại thương 2017

Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH 14 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 12/6/2017; bao gồm 8 Chương, 113 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.

Luật quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương. Đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân tham gia hoạt động ngoại thương và tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan.

Các Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10, số 20/2004/PL-UBTVQH11 và số 22/2004/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Luật  Quản lý ngoại thương bãi bỏ khoản 3 Ðiều 28, khoản 3 Ðiều 29, khoản 3 Ðiều 30, các điều 31, 33, 242, 243, 244, 245, 246 và 247 của Luật Thương mại số 36/2005/QH11.

Trong thời gian chuyển tiếp, các vụ việc phòng vệ thương mại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ khiếu nại, điều tra trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của Pháp lệnh Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam số 42/2002/PL-UBTVQH10, Pháp lệnh Chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 20/2004/PL-UBTVQH11, Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 22/2004/PL-UBTVQH11.

Để triển khai thi hành Luật Quản lý ngoại thương kịp thời, thống nhất và hiệu quả, ngày 18/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Quản lý ngoại thương.

Theo Kế hoạch, kể từ năm 2017, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và từng đối tượng, địa bàn (thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật).

Bên cạnh đó, tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động quản lý ngoại thương; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ngoại thương. Nội dung tập trung rà soát, xây dựng gồm: Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; Danh mục hàng hóa thuộc diện cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; Danh mục hàng hóa thuộc diện xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện; Danh mục hàng hóa thuộc diện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu; Danh mục hàng hóa thuộc diện cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS); Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tổng hợp kết quả rà soát và đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý ngoại thương.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng 5 Nghị định sau: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương; Nghị định quy định chi tiết về quản lý, phát triển thương mại biên giới; Nghị định quy định chi tiết các biện pháp phát triển ngoại thương; Nghị định quy định chi tiết các biện pháp phòng vệ thương mại; Nghị định quy định chi tiết về xuất xứ hàng hóa và chứng nhận xuất xứ hàng hóa. 5 Nghị định trên trình Chính phủ vào tháng 10/2017.

Chi tiết Luật Quản lý ngoại thương xem tại đây.

Ái Hằng-P.QLTM