LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE
Thương mại Thương mại
Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhìn lại chặng đường hội nhập và phát triển

Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mười năm chưa phải là một chặng đường dài, nhưng đủ để đánh giá quá trình tham gia và những thay đổi của đất nước so với thời điểm trước. Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực và quan trọng, thể hiện qua các lĩnh vực: tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu, du lịch, v.v… và đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng có nhiều thay đổi rõ rệt. Cùng với cả nước, trong giai đoạn 2007 – 2017, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tích cực triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập, góp phần tạo diện mạo mới của tỉnh trong thời gian qua.

Công tác triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác HNKTQT, bên cạnh việc tổ chức triển khai, nghiên cứu, quán triệt cho cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân trong tỉnh để nâng cao nhận thức, hiểu rõ quan điểm của Đảng về HNKTQT, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai trên địa bàn. Nội dung của các chương trình, kế hoạch này đều thể hiện rõ sự quyết tâm của Lãnh đạo và nhân dân tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội trong thời kỳ hội nhập nhằm xây dựng và phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang triển khai, thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước trong việc thực hiện các quy định hành chính trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm kịp thời xử lý, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến các quy định hành chính. Các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được triển khai đồng bộ, tích cực và hiệu quả. Các chỉ số: năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), cải cách hành chính (PAR INDEX) được nâng cao điểm số và thứ hạng, được doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.

Những kết quả khả quan

Sau hơn 10 năm đất nước gia nhập WTO, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị - xã hội và nhân dân trong tỉnh, nền kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu đã có những bước phát triển tích cực. Việc thực hiện các cam kết của Việt Nam với WTO đã mở ra cơ hội rất lớn trong việc cải cách và minh bạch hóa các chính sách để tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp và người dân tham gia vào hoạch định chính sách và thụ hưởng những thành quả từ việc gia nhập WTO của Việt Nam. Kinh tế duy trì được mức tăng trưởng hợp lý. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; công nghiệp, dịch vụ đã chiếm trên 88% tổng sản phẩm xã hội. GDP bình quân đầu người (GRDP) trừ dầu khí của tỉnh năm 2010 đạt 5.827 USD, cao gấp 2,28 lần so với năm 2005 và cao gấp 4 lần mức bình quân chung của cả nước; năm 2015 đạt 5.233 USD, phấn đấu đến năm 2020 đạt 7.000 USD.

Với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, hợp tác quốc tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh chủ động thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đến nay, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế với 13 tỉnh, thành phố và 02 tổ chức nước ngoài; duy trì mối quan hệ với các tổ chức, cơ quan ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như: JICA, JETRO, JBAH, KOCHAM, KOTRA, AMCHAM, EUROCHAM...

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cả về số lượng và quy mô vốn đầu tư. Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 315 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 26.748 triệu USD. Các dự án đầu tư có quy mô và vốn đầu tư lớn xuất hiện ngày càng nhiều và chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng các dự án công nghiệp khai thác, tăng dần tỷ trọng các dự án sản xuất, chế biến và các dự án du lịch, cảng biển. Trong suốt những năm qua, nhiều Công ty đa quốc gia, Tập đoàn lớn của các nước đã hoạt động đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu như: BP, CMA, Nippon, Sumitomo, Posco, Zarubezneft, SCG, Kyoei Steel…

 Đầu tư phát triển trong các khu công nghiệp chiếm tỷ lệ cao, quyết định tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp. Sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, có thêm nhiều sản phẩm mới; một số sản phẩm công nghiệp đã trở thành nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm công nghiệp khác; có sản phẩm sử dụng công nghệ cao, tiêu tốn ít năng lượng, có sức cạnh tranh, sức lan tỏa, thu hút công nghiệp hỗ trợ và các dự án khác. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra, năm 2017 tăng 8,44%; hầu hết các ngành công nghiệp tăng trưởng tốt, nhất là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao.

Hoạt động xuất khẩu phát triển khá, đã có thêm một số mặt hàng xuất khẩu mới như: thép, kính chất lượng cao, nhựa, dầu thực vật, v.v...; quy mô các mặt hàng xuất khẩu trên 100 triệu USD/năm được mở rộng. Kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí năm 2017 đạt 3.971 triệu USD, tăng 14,8%; thị trường xuất khẩu dịch chuyển từ Châu Á qua Châu Âu và Châu Mỹ thể hiện sự tác động tích cực từ hội nhập.

Hệ thống cảng biển được chú trọng đầu tư với 28 dự án cảng biển đang hoạt động trên địa bàn, tổng công suất khoảng 98 triệu tấn/năm, tổng chiều dài cầu bến là 11,6 km; lượng hàng thông qua cảng bình quân hàng năm đạt 36 triệu tấn, đặc biệt đã đón được tàu có trọng tải đến 160.000 tấn đi thẳng các nước Châu Âu, Châu Mỹ. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp dài hơi nhằm tập trung khai thác thế mạnh về cảng biển, gắn với phát triển logistics... Hạ tầng giao thông kết nối hệ thống cảng với các đường quốc lộ từng bước được hoàn thiện.

Dịch vụ du lịch cũng đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ. Hàng năm, các cơ sở dịch vụ du lịch đón và phục vụ khoảng 12 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 450 ngàn lượt khách quốc tế. Không còn tập trung ở thành phố Vũng Tàu như trước đây, hiện nay các dự án du lịch phức hợp lớn mang tính đột phá được trải đều ở các địa phương. Nhiều Khu du lịch, khách sạn như: Six Sences (huyện Côn Đảo), Hồ Tràm Strip, Sanctuary, Sài Gòn-Bình Châu-Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc); Imperial, Pullman (Vũng Tàu)… đi vào hoạt động với dịch vụ chất lượng cao, sản phẩm đa dạng, ngày càng thu hút khách có mức chi tiêu cao, khách nước ngoài.

Hệ thống phân phối hàng hóa có nhiều chuyển biến rõ nét, phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là việc hình thành, phát triển hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại với sự góp mặt của các hệ thống phân phối trong nước và cả nước ngoài như: Co.opmart, Lotte Mart, MM Mega Market, hệ thống cửa hàng tiện lợi Family Mart và Circle K, v.v... bước đầu đã thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của người dân và du khách. Các ngành dịch vụ khác như: tài chính, ngân hàng, thông tin truyền thông, vận tải hàng hoá và hành khách, tư vấn pháp lý, v.v... cũng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, bảo đảm phục vụ kịp thời nhu cầu cuộc sống và sản xuất kinh doanh, tác động tích cực đến quá trình HNKTQT. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai thường xuyên góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương. Việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên luôn được chú trọng. Đồng thời lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, trong các chương trình, dự án đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo.

Những khó khăn, thách thức phải vượt qua

Kể từ khi Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới WTO, năng lực cạnh tranh của tỉnh cũng như các doanh nghiệp đã được nâng lên rõ rệt để thích ứng với tình hình mới, mở rộng thị trường trong và ngoài nước nhưng cũng đang đặt ra những tồn tại và thách thức.

Nhận thức, kiến thức về HNKTQT của các ngành, các cấp và doanh nghiệp còn chưa đầy đủ do đó chưa chủ động nắm bắt thời cơ. Công tác thông tin, tuyên truyền về HNKTQT đã được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau song việc chủ động phối hợp giữa các cơ quan của địa phương còn hạn chế; một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, lãnh đạo các doanh nghiệp chưa thấy hết được tầm quan trọng và những nguy cơ, thách thức của quá trình hội nhập nên chưa có những chương trình và hành động cụ thể để thực hiện kế hoạch hội nhập.

Hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Trước sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ của khu vực kinh tế dân doanh và đầu tư nước ngoài; cơ sở hạ tầng đã có dấu hiệu bị quá tải: đường xá, cầu, bến cảng đã bị khai thác đến mức giới hạn của sự an toàn và hạn chế khả năng tiếp tục tăng nhanh đầu tư trong thời gian tới.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của tỉnh chưa cao; kể cả những hàng hóa dịch vụ được coi là có khả năng cạnh tranh; Thị trường tiêu thụ thiếu đa dạng; Chi phí đầu vào cao, giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản phẩm nhìn chung còn thấp so với mức trung bình của khu vực và thế giới.

Hiện nay, tỉnh đang thiếu vốn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguồn vốn từ bên ngoài để phát triển công nghiệp; Máy móc, công nghệ - kỹ thuật còn lạc hậu, trình độ quản lý thiếu chuyên nghiệp. Xác định đây là thách thức lớn, song cũng sẽ là cơ hội to lớn nếu có thể vượt qua được, tỉnh đã chỉ đạo, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới, áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phù hợp với thị hiếu và chất lượng cho từng thị trường, giá cả cạnh tranh, đồng thời thiết lập mạng lưới tiêu thụ ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Đội ngũ cán bộ trong các cơ quan quản lý Nhà nước và cán bộ quản lý doanh nghiệp còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; thiếu nguồn nhân lực được đào tạo, nhất là nguồn nhân lực có chuyên môn cao, giỏi ngoại ngữ, để cung cấp cho các dự án lớn đã và sẽ triển khai tại địa phương. Trước thực tế đó, tỉnh đang xây dựng kế hoạch cụ thể để đào tạo và đào tạo lại cho từng đối tượng; tập trung đào tạo cả về chuyên môn, ngoại ngữ và thợ lành nghề.

Các quy định về thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực như thủ tục cấp giấy phép đầu tư, giao đất, thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục xây dựng công trình, thuế…tuy đã được cải thiện song vẫn còn phiền hà cho nhà đầu tư.

Phân tích những kết quả đạt được và khó khăn thách thức đối với quá trình HNKTQT của tỉnh như trên cho thấy các cơ hội mà HNKTQT đem lại là rất to lớn và quan trọng nhưng thách thức cũng không nhỏ. Tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm vượt qua các khó khăn, thách thức của quá trình HNKTQT để tận dụng tốt các thời cơ do quá trình hội nhập mang lại, góp phần vào sự phát triển trong tương lai của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, thu hút đầu tư có chọn lọc, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, tập trung vào các ngành, lĩnh vực: công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics và  các dịch vụ gắn liền với hệ thống cảng biển, du lịch chất lượng cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thanh Huyền – P.QLTM