LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE
Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân quan tâm hơn và đạt được một số kết quả bước đầu, song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe, an toàn và tính mạng của người tiêu dùng. Nếu tình trạng này, không sớm được khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Theo nhận định của Trung ương nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên có yếu tố khách quan, nhưng chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát, quyết liệt. Năng lực thực thi pháp luật, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có giải pháp căn cơ, hữu hiệu để ngăn chặn vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật chưa đạt yêu cầu, hiệu quả kém. Thanh tra, kiểm tra, hỗ trợ, giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng, xử lý vi phạm pháp luật còn nhiều hạn chế. Chưa huy động hiệu quả các nguồn lực và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chưa chủ động, tích cực hội nhập, vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Nguồn: Internet

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 22 tháng 01 năm 2019, Ban Bí thư  ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về  tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó Ban bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả 06 nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp 01. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc coi tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cá nhân, tổ chức, người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước.

Nhóm giải pháp 02. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước mắt, tập trung tổng kết thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2010), trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp với yêu cầu quản lý của đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Nhóm giải pháp 03. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhóm giải pháp 04. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng.

Nhóm giải pháp 05. Đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhóm giải pháp 06. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế.

Đồng thời Ban bí thư yêu cầu, việc triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ tạo chuyển biến tích cực và thực chất tại các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp ở Trung ương và địa phương trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Anh Thư – VPS