Hạ tầng khu công nghiệp:
Đầu tư để đón doanh nghiệp Nhật
Đoàn Tổ chức JICA (Nhật Bản) khảo sát tại cụm công nghiệp Đá Bạc (huyện Châu Đức). Ảnh: Trúc Giang
Để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản, các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh đang xúc tiến xây dựng những KCN chuyên sâu, nhà xưởng theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Hiện nay, các KCN tại Bà Rịa - Vũng Tàu chưa phân biệt rõ chức năng riêng biệt của từng khu, từng vùng với các dịch vụ tiện ích cụ thể. Theo yêu cầu của các nhà đầu tư Nhật Bản chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Bà Rịa - Vũng Tàu đang có kế hoạch xây dựng các khu CNHT chuyên sâu gắn với các dịch vụ hoàn chỉnh về mặt bằng sản xuất, các dịch vụ và tiện ích xã hội, các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư bằng tiếng Nhật. “Đây là những việc làm cụ thể của Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian này”, ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Trên cơ sở đó, Sở Công thương cũng đã đề xuất mô hình các KCN chuyên sâu gắn với các dịch vụ tiện ích gồm: Hạ tầng “cứng”, trong đó xác định cơ cấu phân khu chức năng trong KCN như: Khu vực sản xuất, khu vực hỗ trợ sản xuất, khu vực dịch vụ. Cụ thể: Khu vực sản xuất sẽ dành cho việc xây dựng các nhà xưởng; khu vực hỗ trợ sản xuất sẽ có khu nghiên cứu, khu kho bãi… Riêng khu vực dịch vụ sẽ có các khu: nhà ở, văn phòng, ngân hàng, bưu điện, đào tạo và cung ứng nhân lực, khu vui chơi giải trí, khám chữa bệnh…; Còn hạ tầng “mềm”, sẽ có các mô hình dịch vụ trọn gói cho nhà đầu tư, bảo đảm công khai minh bạch các loại phí, giá dịch vụ như: dịch vụ pháp lý, dịch vụ xuất nhập khẩu, logistics, cung ứng nhân sự, dịch vụ lo đời sống cho người lao động, dịch vụ kế toán, khai báo thuế, dịch thuật…
Hiện nay, các KCN và cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh được Tập đoàn Forval và Tổ chức Hợp tác quốc tế của Nhật (Jica) lựa chọn để làm địa điểm đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản gồm: KCN Phú Mỹ III, KCN Mỹ Xuân B1 - Đại Dương, KCN Mỹ Xuân B1 - Tiến Hùng và CCN Đá Bạc, đang gấp rút thực hiện các thủ tục pháp lý, giấy phép đầu tư, quy hoạch chi tiết… để triển khai xây dựng các mô hình KCN, quy mô nhà xưởng đáp ứng tiêu chuẩn của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư hạ tầng KCN Phú Mỹ III cho biết: Để thực hiện kế hoạch xây dựng KCN Phú Mỹ III phù hợp với mục tiêu của KCN chuyên sâu về CNHT gắn với dịch vụ logistis, Công ty này đang phối hợp với đối tác là Tập đoàn Nikken Seikkei (Nhật Bản) điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000. Đồng thời, hợp tác toàn diện với Tập đoàn Foval phát triển KCN bằng việc cung cấp dịch vụ “một cửa” bằng tiếng Nhật. Bên cạnh đó, Công ty Thanh Bình Phú Mỹ cũng đang tìm các đối tác tiềm năng từ Nhật Bản để cùng đầu tư phát triển KCN này theo hình thức liên doanh, sử dụng vốn ưu đãi từ Chính phủ Nhật Bản thông qua dự án ODA. “Chúng tôi tin rằng các đối tác Nhật Bản có kinh nghiệm hơn trong việc phát triển và điều hành KCN chuyên sâu”, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương, chủ đầu tư KCN Mỹ Xuân B1 – Đại Dương cho biết, để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản vừa và nhỏ, bao gồm việc cho thuê các nhà xưởng, Đại Dương đang gấp rút hoàn chỉnh hạ tầng, trong đó sẽ dành một khu riêng cho các doanh nghiệp Nhật này và mô hình nhà xưởng sẽ được xây dựng quy mô nhỏ theo đúng nhu cầu cùa doanh nghiệp Nhật Bản. Ngoài ra, các dịch vụ tiện ích như: Khu dân cư, trường học, siêu thị, ngân hàng, bưu điện… cũng đang được công ty xem xét hợp tác với một số đơn vị khác để được hỗ trợ thực hiện.
Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngoài các KCN trên, Sở Công thương cũng đề nghị cho mở rộng khu vực cụm công nghiệp Đá Bạc quy mô lên 1.000ha để xây dựng các nhà xưởng dành cho các dự án đầu tư CNHT của doanh nghiệp Nhật Bản theo đề nghị của doanh nghiệp vùng Kawasaki.
Các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Nhật Bản tham quan trường Cao đẳng Nghề tỉnh. Ảnh: Phương Thảo |
Kho ngoại quan của KCN Mỹ Xuân B1 - Đại Dương. Ảnh: Trúc Giang |