Sáu tháng đầu năm 2013, do tiếp tục bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, thị trường đầu ra bị thu hẹp, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng... đã tác động đến tình hình sản xuất công nghiệp cũng như hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2013 không đạt tốc độ tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra
Giá trị SXCN toàn địa bàn 6 tháng đầu năm ước 33.295,14 tỷ đồng, tăng 4,14% so với cùng kỳ và tăng ở 14/20 sản phẩm chủ yếu. Các sản phẩm giảm nhiều nhất, gồm tháp gió (-51,43%); gạch men (-34,3%); bia các loại (-15,93%); hải sản (-8,94%). Các sản phẩm tăng nhiều nhất, gồm quần áo may sẵn (+34,86%); bột mì (+18,97%); nhựa PVC (+15,91%); da thuộc (+15,43%); điện (+13,5%); xi măng (+13,37%); khí hóa lỏng (+12,82%)….
Phân theo thành phần kinh tế: kinh tế Nhà nước tăng 3,52%; kinh tế ngoài Nhà nước tăng 6,87%; kinh tế có vốn ĐTNN tăng 3,82%. Phân theo ngành công nghiệp: công nghiệp khai khoáng giảm 0,51%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,58%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 9,26%; khai thác, cung cấp và xử lý nước thải, rác thải tăng 11,45%.
Trừ dầu thô và khí đốt, giá trị SXCN ước 25.571,97 tỷ đồng, tăng 5,88% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh tế Nhà nước tăng 1,91%; kinh tế ngoài Nhà nước tăng 6,87%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,5%.
Qua số liệu trên cho thấy, sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm còn gặp nhiều khó khăn do thị trường đầu ra giảm nên chỉ tăng nhẹ 4,14% so với cùng kỳ (trừ dầu thô và khí đốt +5,88%), tình hình này được phản ánh qua sản lượng tiêu thụ điện năng của ngành công nghiệp-xây dựng trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 10,4% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2012 tăng 24,2%).
Phân theo thành phần kinh tế, kinh tế ngoài Nhà nước vẫn có tốc độ tăng trưởng cao nhất (+6,87%); tiếp đến kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,82% và kinh tế Nhà nước tăng 3,52%.
Trừ dầu thô và khí đốt, nếu phân theo ngành kinh tế thì kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng cao nhất (+8,50%) cho thấy các DN có vốn ĐTNN do thị trường đầu ra vẫn ổn định nên tăng trưởng khá; còn kinh tế Nhà nước tăng thấp nhất (+1,91%) do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nên sản xuất không ổn định.
Tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định. Các loại hàng hóa thiết yếu cung ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng, tuy nhiên do thu nhập của người dân giảm sút, nên sức mua giảm. Thực hiện có hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình “Hàng Việt về nông thôn”. Trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức 07 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với doanh thu đạt 3,6 tỷ đồng và 01 Hội chợ-triển lãm tại Tp.Bà Rịa với 300 gian hàng của 150 DN trong và ngoài tỉnh, tổng doanh thu đạt khoảng 7,5 tỷ đồng, hội chợ lần này đã góp phần cải thiện sức mua, giải phóng hàng tồn kho cho các DN. Chương trình bình ổn giá tại huyện Côn Đảo vẫn tiếp tục được thực hiện với sự tham gia cung ứng hàng hóa của hệ thống siêu thị (Metro) và các nhà phân phối lớn nên đã góp phần làm cho giá cả cũng như mặt hàng bình ổn ở huyện đảo ngày càng ổn định và phong phú hơn.
Song song đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh, đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; kiểm tra, kiểm soát vệ sinh anh toàn thực phẩm và kiểm tra giá các mặt hàng thiết yếu, nên việc chấp hành pháp luật kinh doanh của các thương nhân được thực hiện tương đối nghiêm, các vụ vi phạm giảm 5,53% so với cùng kỳ.
Việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, bước đầu đã có tác dụng làm bình ổn thị trường, giá cả, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên do độ trễ của chính sách quá lớn nên các giải pháp này chưa thực sự tác động lớn đến sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm tăng 0,46%; so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44% và so bình quân cùng kỳ tăng 4,95%. Tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước 17.397,24 tỷ đồng, tăng 14,56% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu thương mại-dịch vụ 6 tháng ước 64.328,62 tỷ đồng, tăng 14,10%..
Kim ngạch xuất khẩu toàn địa bàn ước 6.499,98 triệu USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ. Riêng kim ngạch XK trừ dầu khí 960,32 triệu USD, giảm 19,8%. Trong đó:
- Phân theo thành phần kinh tế: DN 100% vốn trong nước 187,91 triệu USD, chiếm 19,75% kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí, giảm 12,03%; DN có vốn đầu tư nước ngoài 772,41 triệu USD, chiếm 80,43%, giảm 21,48%.
- Phân theo ngành hàng: Nhóm hàng nông lâm sản ước 67,62 triệu USD, chiếm tỷ trọng 7,52%, giảm 26,8% so với cùng kỳ; Nhóm hàng thủy sản 132,08 triệu USD, chiếm 13,7%, giảm 14,54%; Nhóm hàng CN-TTCN 760,62 triệu USD, chiếm 78,78%, giảm 19,97%.
Kim ngạch xuất khẩu 06 tháng giảm 8,1% chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu dầu khí giảm 5,72% so với cùng kỳ. Trừ dầu khí giảm 19,8% do có 12/15 mặt hàng chủ yếu giảm, trong đó giảm mạnh nhất là tháp gió (-92,81%) do mất thị trường Mỹ vì bị thua kiện chống bán phá giá; gạch men và gốm các loại -43,48% do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp; sản phẩm giả da -9,5%, hạt điều -32,86%, dầu điều -28,41%, sản phẩm cơ khí -25,56%, hải sản -14,54%...do khó khăn về thị trường.
Tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ và nguồn nguyên liệu. Nhóm hàng CN-TTCN chủ yếu tăng mạnh ở những ngành thâm dụng lao động như may mặc (+102,92%), hàng giày da và thể thao (+70,94%) với tỷ trọng giá trị đạt thấp nên không có tác động lớn trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh. Ngoài ra do giá nhiều mặt hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm, cộng với sự mất giá của đồng Yên nên xuất khẩu sang Nhật Bản bị sụt giảm về giá trị trong khi lượng vẫn giữ nguyên. Dầu thô giá xuất trung bình trên 900 USD/tấn giảm xuống còn dưới 800 USD/tấn, gạch men giá giảm 21,06%, sản phẩm giả da -18,73%, cao su -15,5%, sản phẩm cơ khí -14,68%, giày da -9,26%…
Trước tình hình đó, để có thể hoàn thành kế hoạch về sản xuất công nghiệp cũng như hoạt động thương mại năm 2013 như đã đề ra từ đầu năm, ngành Công Thương đã đề ra một số giải pháp sau:
- Hoàn thành việc đầu tư hạ tầng cụm CN Đá Bạc để xây dựng nhà xưởng và thu hút DN Nhật Bản vào đầu tư SXKD.
- Thành lập KCN chuyên sâu, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ kỹ thuật cao; công nghiệp dầu khí, cảng biển; CNHT để thu hút các dự án lớn của quốc gia và đầu tư nước ngoài.
- Tăng cường thu hút các dự án đầu tư vào ngành CNHT có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, lĩnh vực tạo liên kết với các khu vực kinh tế khác và liên kết vùng. Thực hiện có hiệu quả các chương trình XTĐT trong và ngoài nước đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Tăng cường chỉ đạo Điện lực tỉnh đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất kinh doanh của DN.
- Theo dõi, đôn đốc các DN đẩy nhanh tiến độ đầu tư để đưa dự án vào hoạt động sản xuất đúng theo thời gian đăng ký. Phối hợp với các địa phương, đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, nếu cụm nào có tiến độ triển khai quá chậm thì xem xét đề xuất UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư.
- Đôn đốc, phối hợp cùng với UBND thành phố Bà Rịa và Vũng Tàu đẩy nhanh việc triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Hòa Long và Phước Thắng bằng nguồn vốn ngân sách, để phục vụ cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.
- Theo dõi kịp thời tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để nắm rõ những khó khăn, vướng mắc, từ đó kịp thời tham mưu đề xuất giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
- Tăng cường công tác XTTM trong và ngoài nước để giúp DN mở rộng thị trường. Thực hiện chương trình phát triển thương mại điện tử; phát triển ứng dụng TMĐT để tạo ra các kênh phân phối văn minh, hiện đại; hỗ trợ DN xây dựng website thương mại điện tử nhằm tạo kênh phân phối cho DN
- Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu cho DN; phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý cạnh tranh-Bộ Công Thương để kịp thời cung cấp thông tin về các mối đe dọa/nguy cơ hàng xuất khẩu bị kiện chống bán phá giá của các nước để chủ động trong việc xây dựng, chuẩn bị phương án ứng phó, ngăn chặm các vụ kiện một cách hiệu quả nhất.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo cho thị trường hoạt động lành mạnh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong các hoạt động thuộc phạm vi quản lý ngành để bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
- Tiếp tục đẩy mạnh CCHC tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngành để phản ảnh kịp thời tình hình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ nâng cao vai trò hoạt động của các hiệp hội ngành hàng.
Để đảm bảo thực hiện tốt những giải pháp trên, ngành cũng đã đề xuất với Chính phủ , bộ ngành trung ương và UBND tỉnh một số kiến nghị sau :
- Hiện nay mặc dù lãi suất huy động giảm, song vẫn khó tiếp cận vốn vay, nếu tiếp cận được thì lãi suất cho vay cũng còn cao, khiến các DN quá sức chịu đựng. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần hạ tiếp lãi suất cho vay, đồng thời có chính sách nới lỏng điều kiện vay vốn để DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn; ưu tiên vay vốn đối với DN sử dụng nhiều lao động và làm hàng xuất khẩu; có cơ chế ưu đãi lãi suất vay đầu tư cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
- Đề nghị Chính phủ gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với số thuế giá trị gia tăng phải nộp từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2013 đối với các doanh nghiệp được nêu tại Điểm b Mục 2 Phần I Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ. Đồng thời mở rộng tiêu chí doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng).
- Đề nghị Chính phủ giảm 50% (trong năm 2013) đối với những hàng hóa có thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% đang có khó khăn về tiêu thụ, tồn kho nhiều để đẩy mạnh tiêu thụ giảm hàng tồn kho, kích thích tiêu dùng. Kể từ năm 2014 nên chỉ có 01 mức thuế suất thuế giá trị gia tăng.
- Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách phát triển ngành công nghiệp (CNHT) hỗ trợ để tạo điều kiện thu hút đầu tư CNHT trong thời gian tới.
- Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về Danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư áp dụng chung cho các đối tượng thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư theo tinh thần của Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 07/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư.
- Đề nghị Chính phủ quy định rõ chi tiết các điều kiện áp dụng, kể cả thủ tục bảo lãnh nên rõ ràng, minh bạch theo Điều 42 Luật Quản lý Thuế đã được sửa đổi bổ sung và có hiệu lực từ ngày 01/07/2013.
- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có kế hoạch chủ động đối phó với việc chống bán phá giá, nhất là việc hỗ trợ pháp lý cho các DN trong nước và có biện pháp phòng vệ cần thiết khi các quốc gia khởi kiện bán phá giá.
- Đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với các dự án mở rộng đầu tư để tạo điều kiện cho DN yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.
- Đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho DN.
- Đề nghị Chính phủ có chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mỗi năm nên cấm đánh bắt trong 2 tháng để cá có điều kiện sinh sản trở lại; Đồng thời trong thời gian đó Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho ngư dân.
- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành giám sát chặt chẽ việc áp dụng thuế bảo hộ sản xuất trong nước để góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
- Đề nghị UBND tỉnh thành lập quỹ đầu tư phát triển để cho DN được tiếp cận vốn đầu tư phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.
- Cải cách TTHC theo hướng thuận lợi hơn cho DN an tâm hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh cần thường xuyên tiếp xúc với DN để tạo cơ hội cho DN được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, hiểu rõ hơn thuận lợi, khó khăn của DN để từ đó có biện pháp hỗ trợ và có chính sách quản lý phù hợp hơn
- Đề nghị UBND tỉnh giảm tiền thuê đất và các loại chi phí khác theo thẩm quyền của địa phương để hỗ trợ DN ổn định sản xuất kinh doanh.
- Đề nghị các ngành có liên quan cần tăng cường việc tuyên truyền phổ biến kịp thời các chính sách mới, văn bản pháp luật để DN biết cập nhật và thực hiện theo đúng quy định.
- Đề nghị Điện lực tỉnh cần ổn định điện năng giờ cao điểm, hạn chế sự cúp điện, nhất là cúp điện đột xuất gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của DN.