Ngày 15-8, Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn đã ký kết với UBND TP. Vũng Tàu thỏa thuận ứng trước tiền thuê đất để thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Xác định đây là một dự án quan trọng, tác động lớn đến kinh tế địa phương và cả nước, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh cũng như TP.Vũng Tàu đã tạo mọi điều kiện để sớm đưa dự án thành hiện thực.
Đại diện Tập đoàn SCG (đứng bìa phải) giới thiệu về Tổ hợp hóa dầu miền Nam với lãnh đạo tỉnh BR-VT
Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn làm chủ đầu tư đã được Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tiên ngày 11-7-2008, với tổng mức đầu tư 3,77 tỷ USD. Sau đó, ngày 11-1-2012, UBND tỉnh cấp lại giấy chứng nhận đầu tư lần thứ hai do có sự điều chỉnh quy hoạch. Đến ngày 9-2-2012, các bên liên doanh gồm: Tập đoàn Siam Cement (SCG) của Thái Lan, Công ty TNHH Nhựa và hóa chất Thái Lan (TPC), Qatar Petroleum International (QPI) thuộc Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Qatar (QP), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty hóa chất Việt Nam đã ký kết hợp đồng liên doanh hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu, tổng mức đầu tư lên đến 4,5 tỷ USD. Tỷ lệ góp vốn của các bên liên doanh gồm: các nhà đầu tư Thái Lan thuộc Tập đoàn SCG góp vốn 46%, Công ty QPI thuộc Tập đoàn Dầu khí Qatar 25%, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam góp 11% và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia 18% trong liên doanh.
Theo dự án đã được phê duyệt, tổ hợp hóa dầu Long Sơn sẽ được đầu tư công nghệ mới và hiện đại, bao gồm 10 nhà máy. Các sản phẩm của tổ hợp này sẽ là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: bao bì, tơ sợi, ôtô, điện tử, xây dựng… “Khi dự án đi vào hoạt động, dự kiến sẽ thu hút 15 đến 20 ngàn lao động và cần đến 1.000 lao động kỹ thuật cao điều hành. Theo tính toán ban đầu, khi đi vào hoạt động, những sản phẩm từ tổ hợp sẽ làm lợi cho nhà nước Việt Nam khoảng 2,3 tỷ USD/năm do không phải nhập khẩu các nguyên liệu tương tự cho các ngành công nghiệp” - ông Dhep Vongvanich, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn khẳng định.
Các sản phẩm của tổ hợp này sẽ là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: bao bì, tơ sợi, ôtô, điện tử, xây dựng. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại Kho ngoại quan Công ty Thoresen Vinama Logistics
Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (thành viên trong liên doanh) cho biết, công suất chế biến của tổ hợp là 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm từ nguồn khí etan trong nước, propan và naphtha nhập khẩu, hàng năm sản xuất gần 2 triệu tấn sản phẩm, gồm các sản phẩm chính là PE, PP và VCM cho sản xuất nhựa PVC. Khi vận hành thương mại, doanh thu dự kiến khoảng 100 nghìn tỷ đồng/năm. Tổ hợp sẽ đóng góp rất lớn cho nguồn thu ngân sách và sự phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau khi ký thỏa thuận ứng trước tiền thuê đất (vào ngày 15-8), Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn sẽ xúc tiến thực hiện các mốc quan trọng khác như công tác đấu thầu EPC và thu xếp tài chính để triển khai dự án. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2017 - ông Dhep Vongvanich cho biết thêm. Với tầm quan trọng của dự án, đại diện cho phía địa phương, ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo UBND TP. Vũng Tàu và các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dự án triển khai.
THÀNH DUY - BÁO BRVT