Sản xuất và lắp đặt chân đế giàn khoan tại Xí nghiệp xây lắp Vietsovpetro
Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong tám tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đang chuẩn bị sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực ưu tiên, nhất là dòng vốn đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản. Hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực chất lượng cao, những "nút thắt" quan trọng trong thu hút đầu tư đã được tỉnh chuẩn bị từ nhiều năm, nhưng xem ra kết quả đạt được vẫn không như mong đợi.
Sẵn sàng đón nhà đầu tư
Sau nhiều năm đứng trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư, trong hai năm 2012 và 2013, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có xu hướng chững lại. Riêng về đầu tư nước ngoài, năm 2013, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ cấp mới cho 12 dự án, tổng vốn đăng ký 125 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn năm dự án, tổng giá trị 60 triệu USD. Lý giải về sự sụt giảm này, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ðặng Minh Thông cho rằng, bên cạnh những khó khăn chung của kinh tế thế giới, sự khắt khe và kỹ lưỡng trong lựa chọn nhà đầu tư, lĩnh vực đầu tư... là nguyên nhân chính của sự sụt giảm này. Hiện nay, ưu tiên số một của Bà Rịa - Vũng Tàu là công nghiệp hỗ trợ và logistics. Tỉnh đang kỳ vọng vào những doanh nghiệp nhỏ và vừa đến từ Nhật Bản và những quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức năm đoàn xúc tiến đầu tư và một đoàn khảo sát về logistics tại Nhật Bản; tổ chức chín cuộc hội thảo giới thiệu tiềm năng và nhu cầu thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ; gặp gỡ, trao đổi với hơn 500 doanh nghiệp Nhật Bản, đến từ Tô-ki-ô, Ô-xa-ca, Ka-oa-xa-ki, Y-ô-cô-ha-ma, Ô-ca-da-ki và nhiều thành phố khác; đồng thời tiếp đón hơn 130 doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư...
Ðể sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực ưu tiên, tỉnh đã khẩn trương xây dựng các khu công nghiệp "kiểu mẫu", theo mô hình khu công nghiệp đô thị. Ngoài các khu công nghiệp đã đầu tư hạ tầng như: B1 Tiến Hùng, B1 Ðại Dương, tỉnh khởi công thêm Cụm công nghiệp chuyên sâu Ðá Bạc (huyện Châu Ðức) và Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (huyện Tân Thành). Mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 làm Khu công nghiệp chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản.
Cũng trong năm 2013, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành lập Trung tâm tiếng Nhật Bản, cử hơn 120 học viên là cán bộ, công chức, viên chức của địa phương tham gia khóa đào tạo này. Dự án 1.000 lao động công nghiệp hỗ trợ tay nghề cao cũng được khởi động với khóa học đầu tiên gồm 700 học viên ngành cắt gọt kim loại tại Trường cao đẳng nghề Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đánh giá của Sở Công Thương cho biết: Tất cả những yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, đều được địa phương nghiên cứu và triển khai trong phạm vi có thể. Hiện, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn đã sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và logistics, kể cả những dự án nhỏ với số lao động vài chục người, diện tích vài trăm m2 đến những dự án lớn với số lao động lên đến cả nghìn người. Cũng theo bà Hường, một lợi thế không kém phần quan trọng để Bà Rịa - Vũng Tàu kỳ vọng vào các nhà đầu tư mới đến từ Nhật Bản và các quốc gia có nền công nghiệp phát triển là trong 20 năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp nổi tiếng thế giới thành công khi đầu tư tại địa phương, như: BP, Kyoei Steel, SCG, Posco, Nippon, Sumitomo, Itochu, Sojitz, JX, Rosneft, Zaruzneft, Perenco, Lotte...
Ðánh giá về những nỗ lực của địa phương trong việc thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và logistics, ông H.Mô-mô-ta, cố vấn Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), cho biết: "Qua tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan, chúng tôi rất hài lòng bởi sự sẵn sàng hợp tác, nhất là trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 và tuyến đường Phước Hòa - Cái Mép. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện các chính sách ưu đãi và cam kết mạnh mẽ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Ðây chính là điều kiện quan trọng để những nhà đầu tư lựa chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm điểm đến của mình".
Khó khăn phía trước
Tuy nhiên, sau rất nhiều cuộc thăm và xúc tiến của cả tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lẫn các đối tác Nhật Bản, những tín hiệu cho thấy một dòng vốn đầu tư mới đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản vẫn chưa thật sự sáng sủa. Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài cho rằng, việc phát triển mô hình khu công nghiệp đô thị, không chỉ có nhà xưởng, mà có cả các dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của công nhân, với tỷ lệ cây xanh, khu thương mại, dịch vụ, thậm chí cả nhà ở, khu vui chơi giải trí... không dễ thực hiện. Mô hình này phổ biến ở các nước trong khu vực nhưng lại rất mới ở nước ta. Ðáng chú ý là các nhà đầu tư Nhật Bản lại rất ưa chuộng mô hình này. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật của Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và nước ta nói chung còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của nhà đầu tư. Ðiển hình như một số cảng vẫn chưa có đường giao thông kết nối, hạ tầng về điện, nước, thông tin liên lạc vẫn còn thiếu.
Ông Y.Hi-rô-ta-ca, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) cho biết, nếu so sánh với các nước lân cận thì thấy rằng, khả năng cung cấp nguyên liệu tại chỗ của Việt Nam mới chỉ đạt 27,9%; so với Thái-lan và Trung Quốc thì mới bằng một nửa. Các nhà đầu tư nước ngoài nếu mua được nguyên, vật liệu từ thị trường Việt Nam để phục vụ sản xuất thì tốt hơn là nhập khẩu rất nhiều.
Giám đốc Công ty Ðại Dương, chủ đầu tư Khu công nghiệp B1- Ðại Dương, Nguyễn Văn Tư cho biết: Lợi thế của Bà Rịa - Vũng Tàu so với các địa phương khác là tương đối rõ ràng. Ðây là cái "nôi" của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, là cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Ðông Nam Bộ và Nam Bộ, với hệ thống cảng nước sâu hiện đại bậc nhất cả nước, có thể đón tàu trọng tải lên tới hơn 100 nghìn tấn. Từng nhiều lần tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, ông Nguyễn Văn Tư cho rằng, trên thực thế, khi các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, thay vì đem theo các công ty vệ tinh, họ rất muốn làm việc với các doanh nghiệp hỗ trợ ngay tại Việt Nam. "Việc để các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ở ngành công nghiệp hỗ trợ cũng mang nhiều yếu tố tiêu cực. Và nếu chúng ta không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia lĩnh vực này sẽ là rất sai lầm". Ông Tư nhấn mạnh.
Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 292 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 27 tỷ USD và 415 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 230 nghìn tỷ đồng. Hiệu quả của dòng vốn đầu tư đối với sự phát triển của địa phương là không thể phủ nhận. Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tuấn Minh cho rằng, đây là nhân tố cơ bản và quan trọng để Bà Rịa - Vũng Tàu duy trì tốc độ tăng trưởng, bảo đảm kim ngạch xuất khẩu, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ cấu đầu tư tại địa phương thời gian qua tập trung cao vào những dự án công nghiệp nặng, công nghiệp dầu khí, du lịch và bất động sản. Sản xuất công nghiệp tuy đạt mức tăng trưởng khá nhưng hầu như vẫn nặng về khai thác, gia công và lắp ráp; giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp đạt tỷ lệ thấp, chưa quá 3%, dẫn đến sức cạnh tranh yếu. Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và logistics là hướng đúng đắn, vừa góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, gia tăng giá trị sản xuất, vừa giúp địa phương có điều kiện tiếp cận những kỹ thuật công nghệ cao, phương pháp quản lý hiện đại.
Tuy nhiên, đây thật sự là nhiệm vụ khó khăn của cả Ðảng bộ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi đôi khi, khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế có thể sẽ rất dài.
Sản xuất và lắp đặt chân đế giàn khoan tại Xí nghiệp xây lắp Vietsovpetro