LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE
Thương mại Thương mại
Trả lời của Bộ Công Thương về kiến nghị của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Phần I)

Tại Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần I – năm 2014 được tổ chức tại Bình Thuận, Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời chính thức những kiến nghị, đề xuất của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dưới đây là nội dung trả lời của Bộ Công Thương liên quan đến kiến nghị về việc việc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có kế hoạch chủ động đối phó với việc chống bán phá giá, nhất là việc hỗ trợ pháp lý cho DN trong nước khi các quốc gia khởi kiện bán phá giá.

(1) Trước khi các vụ việc xảy ra

(i) Tiến hành công tác cảnh báo sớm cho doanh nghiệp thông qua việc đánh giá số liệu xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam cũng như thông tin nhận được từ Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài và các luật sư tư vấn, qua đó:

- Xác định sớm các mối đe dọa, nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu  VN trước khi chính thức có đơn khởi kiện từ các ngành sản xuất của nước ngoài.

- Các DN VN có đủ thời gian và điều kiện để kịp thời điều chỉnh nhằm loại bỏ những mối đe dọa và chủ động đối phó với các cuộc điều tra của các cơ quan có liên quan tại nước ngoài.

Hiện nay, Cục quản lý cạnh tranh đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về các mặt hàng/ngành hàng xuất khẩu (chi tiết theo mã HS) có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá để các doanh nghiệp có thể tham khảo (http://www.earlywarning.vn hoặc www.canhbaosom.vn) Các DN sẽ được tiếp cận với các thông tin, số liệu về xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực vào các thị trường chính: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Canada,…Họ cũng sẽ được cảnh báo nếu có nguy cơ xảy ra vụ kiện chống bán phá giá và được tư vấn để phòng tránh các vụ kiện cũng như giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp vụ kiện xảy ra.

(ii) Tuyên truyền và hỗ trợ pháp lý về pháp luật, quy định điều tra phòng vệ thương mại

- Tổ chức các buổi tuyên truyền về quy định điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn doanh nghiệp cung cấp thoongt in và soạn thảo, hoàn chỉnh các bản câu trả lời câu hỏi điều tra của cơ quan điều tra nước sở tại.

- Phát hành các ấn phẩm, bài nghiên cứu về các vụ việc phòng vệ thương mại để doanh nghiệp và Hiệp hội tham khảo.

(2) Sau khi vụ việc xảy ra:

(i) Kịp thời thông báo tới doanh nghiệp và hiệp hội liên quan về vụ việc

- Đăng tin về vụ việc trên website của Bộ và của Cục để thông báo vụ việc cho hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng bị điều tra của VN.

- Làm việc trực tiếp với hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để trao đổi thông tin và hỗ trợ trong việc tham vấn cho DN kháng kiện vụ việc một cách hiệu quả.

(ii) Nêu quan điểm đối với vụ việc điều tra

- Phối hợp với Tổng Cục Hải quan thu thập số liệu xuất khẩu mặt hàng bị điều tra và tiến hành đánh giá, phân tích thông tin.

- Xây dựng các bản bình luận của Chính phủ VN gửi cơ quan điều tra nước sở tại nêu những quan ngại, quan điểm không đồng tinh và phân tích về vụ việc đối với mỗi giai đoạn của vụ việc (sau khi cơ quan điều tra đưa ra kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng,…)

- Tiến hành tham vấn (nếu có) với cơ quan điều tra về việc khởi xướng điều tra cũng như trước khi áp dụng các biện pháp tạm thời hoặc cuối cùng.

- Chủ trì, phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước sở tại theo dõi, thu thập thông tin đối với vụ việc và hỗ trợ tham gia các phiên điều trần, tham vấn,…

(3) Công tác đấu tranh, vận động bên lề các vụ việc phòng vệ thương mại :

(i)  Sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO:

- Bên cạnh việc ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại, trong trường hợp các quyết định của cơ quan điều tra nước ngoài gây quan ngại lớn, ảnh hưởng bất lợi tới lợi ích và hoạt động xuất khẩu của các DN VN, các Bộ, ngành của Chính phủ có thể xem xét kế hoạch sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các DN VN. Điều này cũng góp phần hạn chế cơ quan điều tra nước ngoài khỏi việc toàn quyền áp dụng các quy định trái với WTO.

- Cho đến nay, VN đã khiếu kiện 02 vụ việc tại WTO (DS 404 và DS 429) liên quan đến lệnh áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với tôm nhập khẩu từ VN, đồng thời tham gia 17 vụ việc giải quyết tranh chấp với tư cách bên thứ ba. Trong đó, VN đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu khi ngay trong vụ việc DS404 giành được một số phán quyết có lợi của WTO.

( ii) Tăng cường hiệu quả giải trình kinh tế thị trường:

- Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, VN đã phải chấp nhận bị đối xử với tư cách nền kinh tế phi thị trường cho đến 31/12/2018. Điều này góp phần tạo điều kiện cho các nước không công nhận VN có nền kinh tế thị trường tiến hành các vụ điều tra phòng vệ thương mại và áp dụng các quy định bất lợi dành cho các nước này (việc sử dụng các giá trị thay thế của nước ngoài để tính biên độ phá giá khiến mức thuế bị tăng cao). Với sự hỗ trợ của Chương trình BWTO, Cục QLCT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đã xây dựng báo cáo tổng thể về nền kinh tế thị trường của VN phục vụ công tác giải trình, và đàm phán quy chế kinh tế thị trường với các đối tác thương mại và hằng năm xây dựng các Báo cáo riêng căn cứ theo yêu cầu từng nước để giải trình KTTT.

- Các báo cáo này đã phát huy tích cực thông qua kết quả về việc công nhận quy chế KTTT của các nước. Đặc biệt, đối với 2 đối tác chính của VN là Hoa Kỳ và EU, trong năm 2012, phía EU trong báo cáo làm việc của Nhóm Công tác VN-EU đã có những công nhận đối với đổi mới đáng kể của nền kinh tế Việt Nam. Kết quả cho thấy cho đến nay đã có thêm 45 nước công nhận nền KTTT của VN (trong đó có những nước quan trọng như Nhật Bản, 4 nước khối EFTA và 9 nước thành viên G20 gồm Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Ấn độ, Úc,…). Đáng chú ý là trong số gần 16 nước đã từng tiến hành điều tra PVTM đối với VN thì có 6 nước đã công nhận nền kinh tế thị trường của VN. Việc tiếp tục vận động công tác giải trình kinh tế thị trường góp phần giảm thiểu các bất lợi trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp VN nhằm đạt được các kết quả tích cực hơn.