Dịch vụ logistics
Đầu tư vào lĩnh vực logistics: Cần thêm những ưu đãi
Cùng với công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực dịch vụ logistics đang được tỉnh quan tâm và luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, để theo kịp với tiến trình phát triển của các cảng, nhất là khi cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đang dần thể hiện rõ nét là cảng trung chuyển quốc tế, cần nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa từ Trung ương để thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ sau cảng.
Cơ hội phát triển dịch vụ logistics Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, hiện nay, CMIT đang làm hàng cho tàu tuyến nội Á IA9 của hãng tàu MCC hàng tuần. Hàng hoá xuất đi trên chuyến tàu này đều được vận chuyển bằng đường bộ và làm thủ tục thanh lý hải quan tại Cái Mép. Điều này hoàn toàn khác biệt so với hàng hoá đi tàu mẹ tuyến xa với 95% lượng hàng được vận chuyển bằng xà lan và làm thủ tục thanh lý hải quan tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là một cơ hội tốt để phát triển các dịch vụ logistics trong tỉnh và cần phải được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, để tăng lượng hàng tập kết về Cái Mép – Thị Vải, cần có cơ sở hạ tầng và chính sách thu hút đầu tư tốt hơn cho ngành logistics của tỉnh cũng như thu hút các nhà sản xuất, nhà phân phối bán lẻ lớn… Theo đề án phát triển dịch vụ logistics, lĩnh vực logistics sẽ áp dụng ưu đãi theo địa bàn. Theo đó, DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực logistics thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như huyện Côn Đảo sẽ áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong thời hạn 15 năm; được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đồng thời, tiền thuê đất cũng sẽ được miễn 11 năm, kể từ ngày hoàn thành đưa dự án vào hoạt động. Tương tự, DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực logistics thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như huyện Tân Thành sẽ áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 20% trong thời hạn 10 năm; được miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Đồng thời, tiền thuê đất cũng sẽ được miễn 7 năm kể từ ngày hoàn thành đưa dự án vào hoạt động. Ngoài những ưu đãi trên, nhà đầu tư vào lĩnh vực logistics sẽ được tỉnh hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nếu DN sử dụng từ 10 lao động địa phương trở lên sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo lần đầu khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động. Mỗi lao động được hỗ trợ đào tạo 1 lần và mức hỗ trợ tối đa không quá 6 triệu đồng/khóa học.
Cần những ưu đãi Ông Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Kinh doanh Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cho rằng, tỉnh BR-VT và các bộ, ngành liên quan cần xem xét, đề xuất Chính phủ ban hành quy chế đặc biệt cho khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc quy hoạch, quản lý, thu hút các nhà đầu tư FDI và đầu tư quốc tế khác. Nghiên cứu hình thành Khu thương mại tự do với cơ chế thủ tục thông thoáng, môi trường kinh doanh và đầu tư “mở” cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cơ quan quản lý nhà nước, các chính sách, cam kết và ưu đãi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư cho khu vực này. Để tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ logistics, tạo sự hấp dẫn về môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh giữa các nước trong khu vực, ông Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xem xét bổ sung một số cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Cụ thể, logistics là lĩnh vực dịch vụ đa ngành, để khuyến khích phát triển loại hình dịch vụ này mang tính cạnh tranh và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian tới, nên xem xét các hoạt động logistics thuộc lĩnh vực ngành nghề đầu tư kinh doanh được hưởng ưu đãi đầu tư, gồm: nhóm dịch vụ logistics 3PL: dịch vụ trọn gói, tích hợp, cung cấp chuỗi dịch vụ đi kèm công nghệ thông tin hiện đại; nhóm dịch vụ logistics chủ yếu: Dịch vụ bốc xếp hàng hoá, dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa; nhóm dịch vụ logistics liên quan đến vận tải: Dịch vụ vận tải hàng hải, dịch vụ vận tải thuỷ nội địa, dịch vụ vận tải đường bộ. Hơn nữa, để dịch vụ logistics của tỉnh có tính chuyên nghiệp, bền vững, Chính phủ sớm xem xét bổ sung Trung tâm logistics tại khu vực Cái Mép hạ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô 800ha, gồm cảng Quốc tế Cái Mép hạ với chiều dài cảng 1.800m, tiếp nhận tàu trên 100.000 tấn và Khu Logistics - Thương mại tự do 700ha vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 3098/QĐ-BCT ngày 24-6-2011. Theo baobariavungtau.com.vn
Bài mới hơn
Bài cũ hơn
|