Tin tức về logistics BRVT
Cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải: Nơi lựa chọn của các hãng tàu
Hơn chục tuyến dịch vụ vận tải quốc tế, các hãng tàu vận tải container hàng đầu thế giới đã có mặt tại Cái Mép - Thị Vải. Mới đây, cảng CMIT đã thực hiện thành công chuyến hàng trung chuyển quốc tế đầu tiên. Qua đó khẳng định, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng trung chuyển quốc tế mà các hãng tàu lựa chọn và là một trong 3 cảng trong khu vực có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 14 ngàn TEU.
18 tuyến dịch vụ vận tải quốc tế Đầu năm 2015, Khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải tiếp nhận thêm các chuyến tàu của 8 tuyến dịch vụ vận tải quốc tế cập cảng, trong đó có 3 dịch vụ vận tải tuyến xa bắt đầu cập cảng Cái Mép - Thị Vải kể từ cuối tháng 5-2015 và tháng 7-2015 là Columbus-WB; Columbus-EB của Ocean 3 và Z7S của Zim Line; 5 tuyến dịch vụ nội Á mới là CVT (CSCL), MSS (MOL), PHX2 (NYK/Kline), IA9 (MCC) và CBW (MOL). Hiện nay, khu vực Cái Mép - Thị Vải có tàu của 18 tuyến dịch vụ vận tải quốc tế và 2 tuyến dịch vụ nội địa. Trong phân khúc các tuyến dịch vụ quốc tế, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) có 5 tuyến; cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) có 9 tuyến và cảng ODA Tân Cảng - Cái Mép (TCOT) có 4 tuyến. 9 tháng năm 2015 đã có 936 lượt tàu vào khu vực Cái Mép, trong đó có 283 lượt tàu mẹ (trên 80 ngàn tấn) cập cảng an toàn, đạt mức tăng trưởng 61%. Qua đó khẳng định, luồng lạch và kết cấu hàng hải ở Cái Mép - Thị Vải đã đáp ứng đủ điều kiện và tạo sự tin tưởng của các hãng tàu. Chứng kiến con tàu container CSCL Star trọng tải 157.000 DWT cập cảng CMIT làm hàng trung chuyển quốc tế ngày 29-10 vừa qua, ông Gu Jing Song, Giám đốc hãng tàu CSCL châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Chúng tôi đã triển khai các dịch vụ từ Việt Nam tới Địa Trung Hải, bờ Đông, bờ Tây của Hoa Kỳ, để mang lại dịch vụ nhanh hơn và tốt hơn cho khách hàng. Tại thị trường Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục được phát triển. Với dịch vụ vận tải tới châu Âu, thời gian vận chuyển tới Le Havre được rút ngắn chỉ còn 21 ngày và chỉ 22 ngày là tới Rotterdam. Việc con tàu 14.000 TEU cập bến tại cảng quốc tế Cái Mép cho thấy, luồng và trang thiết bị của cụm cảng đủ điều kiện để làm hàng trung chuyển quốc tế. Tôi tin rằng sẽ có ngày càng nhiều tuyến tàu dịch vụ vận tải quốc tế cập cảng Cái Mép - Thị Vải và cơ hội kinh doanh cho cụm cảng trong tương lai sẽ lớn hơn”.
Trước đó, trong chuyến bốc 1.079 container là hàng trung chuyển lên tàu NYK FUJI, đại diện hãng tàu NYK cho biết, liên minh Ocean 3 chọn cảng CMIT vì nơi đây có độ sâu tối thiểu dọc cầu cảng đạt -16,5m, sâu nhất trong khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Cảng CMIT tiếp cận trực tiếp với luồng -14m, các tàu có thể tiếp cận với mớn nước lên đến 16m; đồng thời vị trí xoay tàu rộng, an toàn và thuận lợi gần cảng. Cùng với đó là năng suất khai thác bến đạt 41,80 container/giờ/cẩu bờ, giúp rút ngắn thời gian tàu nằm chờ ở cảng, giảm chi phí cho hãng tàu. Khi đề cập việc đưa tàu vào khu vực Cái Mép làm hàng, ông Michael Them Rasmussen, Tổng giám đốc Công ty Vận tải biển CMA CGM tại Việt Nam cho biết, cuối năm 2014, đại diện CMA CGM có các buổi làm việc với Bộ GT-VT để giải quyết vấn đề đưa được tàu mẹ vào Cái Mép. Việt Nam có nhiều cảng nước sâu, vị trí địa lý rất đẹp, song chưa khai thác hết, tàu lớn của nước ngoài chưa ghé vào. Có 2 lý do là khối lượng hàng chưa đủ lớn để các hãng đưa tàu mẹ vào và chi phí quá cao. Đơn cử vào cảng Trung Quốc, tàu có thể lấy tới 3.000 container/lần/cảng, do đó chi phí, tính trung bình cho mỗi container có tính cạnh tranh cao. Trong khi vào Cái Mép - Thị Vải, nhiều cũng chỉ lấy được 400 container/lần. Tàu to, phí vào cảng lại tính cho cả con tàu, do đó tính trên mỗi container là rất cao so với nơi khác. Tháo gỡ vấn đề này, Bộ GT-VT đã đồng ý chủ trương thu một mức phí phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ hàng và chủ cảng. Đồng thời, chấp nhận đề nghị của CMA CGM về việc đưa hàng từ các cảng Hải Phòng, Quy Nhơn xuất đi Bắc Mỹ, Canada tập trung về Cái Mép - Thị Vải và cho phép CMA CGM được vận chuyển nội địa để gom hàng cho Cái Mép - Thị Vải. “Những nội dung thỏa thuận trên của Bộ GT-VT với hãng tàu là rất quan trọng, đã thuyết phục được công ty mẹ CMA CGM chấp thuận gom hàng từ các cảng tại Campuchia, Thái Lan, Philippines về Cái Mép - Thị Vải và bắt đầu từ quý II vừa qua đã đưa tàu vào Cái Mép - Thị Vải để chở hàng đi Bắc Mỹ và Canada. Tổng khối lượng hàng có thể đạt 1.500 container/chuyến là mức có thể chấp nhận được” - ông Michael Them Rasmussen nói.
Có khả năng đón những tàu từ 18 đến 20 ngàn TEU Chứng kiến cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) tiếp nhận làm hàng cho tàu container siêu lớn CSCL Star trọng tải 157.000 DWT, là một trong những tàu container siêu lớn do liên minh Ocean Three khai thác trong tuyến dịch vụ tàu mẹ đầu tiên kết nối Việt Nam và thị trường khu vực Bắc Âu, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Công khẳng định, Bộ GT-VT sẽ tạo mọi điều kiện, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để các hãng tàu trên thế giới đến với các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải ngày càng thuận tiện. “Bộ GT-VT, Cục Hàng hải Việt Nam cùng với cảng CMIT đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh mới và đặc biệt cho khu cảng nước sâu Cái Mép khi tiếp nhận tàu container siêu lớn trọng tải 14.000TEU. Cái Mép trở thành cảng thứ ba trong khu vực, sau Singapore và Malaysia có khả năng làm hàng cho tàu kích cỡ này. Chúng tôi tiên liệu cụm cảng nước sâu Cái Mép có khả năng đón những tàu từ 18 - 20 ngàn TEU. Bộ GT-VT đang giao cho Cục Hàng hải Việt Nam triển khai đề án tổng thể nghiên cứu luồng Cái Mép - Thị Vải, trên cơ sở đó sẽ phân kỳ đầu tư và sẽ đầu tư để có hệ thống luồng lạch ngày càng tốt hơn. Việc tiếp nhận thành công tàu CSCL Star đã chứng minh cho các hãng tàu quốc tế là cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có thể đón tiếp, cung cấp dịch vụ rất tốt, thuận tiện, an toàn cho các tàu trọng tải lớn. Đặc biệt, đã chứng minh cho các hãng tàu, khu vực Cái Mép - Thị Vải bảo đảm đủ nguồn hàng xuất khẩu nội địa và khu vực để các tàu vào làm hàng trung chuyển quốc tế”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh. Theo baobariavungtau.com.vn
Bài mới hơn
Bài cũ hơn
|