Tin tức sự kiện
Cải thiện môi trường sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 và Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016. Các Nghị quyết trên yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; chuyển mạnh cơ chế quản lý sang hậu kiểm; áp dụng phương thức quản lý trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan. Kết quả, năm 2016 Ngân hàng thế giới đánh giá “Môi trường kinh doanh” của Việt Nam tăng 9 bậc (từ vị trí thứ 91/189 lên vị trí thứ 82/190 của bảng xếp hạng). Về xếp hạng “Chính phủ điện tử” theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam đứng thứ 89 trên thế giới, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2014, xếp thứ 6 trong ASEAN. Mặc dù đã có bước cải thiện, nhưng hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa đạt được trung bình của các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei. Mặt khác, đối với xếp hạng “Năng lực cạnh tranh toàn cầu” của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), thứ hạng của Việt Nam giảm 4 bậc so với năm 2015 (từ vị trí thứ 56 xuống thứ 60), thấp hơn hầu hết các nước ASEAN nói trên. Cũng như vậy, theo báo cáo về chỉ số “Đổi mới sáng tạo” toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam giảm 7 bậc so với năm 2015 (từ thứ 52/141 xuống thứ 59/128 quốc gia với số điểm chỉ đạt 35,4/100 điểm), thấp hơn nhiều các nước ASEAN. Mục tiêu và nhiệm vụ chung được Chính phủ đề ra là phấn đấu cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh, bao gồm: Đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về Môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến hết năm 2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); các chỉ số Đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) đạt trung bình ASEAN 5; điểm số và thứ hạng Chính phủ điện tử (theo cách tiếp cận của Liên hợp quốc) đạt trung bình ASEAN 5. Trong đó ngành Công Thương đề ra 2 mục tiêu là các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 và mục tiêu về thực hiện Chính phủ điện tử, cụ thể: (1) Đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4. Bám sát tiêu chí đánh giá của Ngân hàng thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới; củng cố, duy trì các kết quả đạt được về môi trường kinh doanh, đồng thời phấn đấu nâng điểm trên tất cả các chỉ tiêu. Tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, kiên quyết đổi mới công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cụ thể là: Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: tiếp cận điện năng không quá 35 ngày; thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày. Tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp; phấn đấu đạt mức 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó tối thiểu 0,5% là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. (2) Mục tiêu về thực hiện Chính phủ điện tử: Cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm: Hạ tầng viễn thông (TII), nguồn nhân lực (HCl) và dịch vụ công trực tuyến (OSI); phấn đấu đến hết năm 2017 xếp hạng thứ 80; đến năm 2020 đạt trung bình ASEAN 5 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia) về điểm số và thứ hạng tối thiểu thứ 70 trên thế giới. Phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Rà soát, đôn đốc các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ. (2) Thực hiện hiệu quả Thông tư số 24/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ Công Thương về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng; thực hiện chuẩn hóa quy trình tiếp cận điện năng cấp quốc gia theo hướng “một cửa liên thông” giữa cơ quan nhà nước và điện lực trong giải quyết các thủ tục “Thỏa thuận tuyến, vị trí cột/ thỏa thuận địa điểm trạm điện, vị trí cột điện và hành lang lưới điện (bao gồm Giấy phép đào đường, vỉa hè)”. (3) Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo hướng bỏ một số dịch vụ ngân hàng (bao gồm thẻ ghi nợ nội địa; mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán áp dụng cho khách hàng cá nhân; vay vốn cá nhân nhằm mục đích tiêu dùng) ra khỏi Danh mục nhằm cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho các tổ chức tín dụng và bảo đảm thống nhất về cơ quan quản lý nhà nước đối với việc cung ứng dịch vụ của các tổ chức tín dụng. (4) Trình Quốc hội dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi) trước tháng 12/2017, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, kiểm soát có hiệu quả độc quyền, thống lĩnh trong kinh doanh. Giải quyết kịp thời các khiếu nại đối với các vụ việc lạm dụng vị thế độc quyền, thống lĩnh, tập trung hóa kinh tế, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật cạnh tranh. (5) Trình Quốc hội dự thảo Khung chính sách về thương mại phục vụ việc sửa đổi Luật thương mại trước tháng 12/2017. Để hoàn thành các mục tiêu trên, các Sở Công Thương cần tập trung thực hiện các giải pháp như: (1) Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh/thành phố thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. (2) Chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên ngành liên quan kiến nghị Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ. (3) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ban hành Quy định một số thủ tục liên quan đến quy trình tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp trên địa bàn, phù hợp với Thông tư số 24/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ Công Thương về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng. (4) Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nhằm cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết…
Bài mới hơn
Bài cũ hơn
|