Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo Nghị quyết số 22/2016/QH14 ngày 29 tháng 7 năm 2016 của Quốc hội, ngày 06 tháng 9 năm 2017, Chính phủ đã có Tờ trình số 377/TTr-CP trình Quốc hội về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét và cho ý kiến tại phiên họp thứ 14, diễn ra vào sáng ngày 14 tháng 9 năm 2017.Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Luật Cạnh tranh số 27/2004 /QH11 (Luật Cạnh tranh 2004) là dấu mốc quan trọng trong quá trình tạo lập một hành lang pháp lý thống nhất cho hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu thế hội nhập quốc tế, cũng như đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nên Luật Cạnh tranh 2004 cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu quả thực thi, đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn trong tình hình mới.

Bàn về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã báo cáo kết quả thẩm tra sơ bộ trong đó nhấn mạnh Luật Cạnh tranh 2004 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, Luật còn tồn tại những hạn chế bất cập, chưa bảo đảm sự thích ứng với môi trường kinh doanh, phương thức cạnh tranh và kinh doanh mới đang làm thay đổi cấu trúc của nhiều thị trường quan trọng, tác động trực tiếp đến các chủ thể trên thị trường; chưa đáp ứng được yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh năm 2004 nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, không có sự phân biệt đổi xử giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế để khai thác tốt cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Về hồ sơ, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn 12 năm thi hành về kết quả rà soát các văn bản pháp luật hiện hành liên quan, đối chiếu với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật đã tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội theo quy định.

Trong phiên họp, nhiều đại biểu cơ bản đã bày tỏ quan điểm đồng tình với nội dung báo cáo thẩm định sơ bộ do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày. Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: “hoàn thiện thể chế cạnh tranh để tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng chúng ta đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, để hoàn thiện thể chế cạnh tranh nên việc phải sửa luật là cần thiết”.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban soạn thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cũng đã phát biểu ý kiến giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu đối với dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Phát biểu kết thức phiên họp sáng 14/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng các ý kiến của Ủy ban Thường vụ rất chất lượng và sâu sắc. Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra phải nghiên cứu để giải trình làm rõ từng ý kiến đóng góp để khi đưa ra báo cáo trước Quốc hộicó đủ sức thuyết phục. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng nếu hồ sơ dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được chỉnh lý và hoàn thiện thêm thì có thể đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

VCA