Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
XÂY DỰNG CHỢ BÀ RỊA THEO MÔ HÌNH "CHỢ AN TOÀN THỰC PHẨM":

Cải thiện rõ rệt môi trường kinh doanh

Năm 2014, Sở Công thương đã chọn chợ Bà Rịa để thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Với mô hình “chợ an toàn”, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi mua thực phẩm tại chợ.

 Sạp bán thịt trong chợ Bà Rịa sắp xếp ngăn nắp, thông thoáng, niêm yết giá đầy đủ.

Chợ Bà Rịa là một trong những chợ đầu mối lớn ở BR-VT, nằm ở trung tâm thành phố Bà Rịa, mỗi ngày có hơn 1.000 tiểu thương kinh doanh. Năm 2014, Sở Công thương chọn chợ Bà Rịa để thí điểm xây dựng chợ bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Sau hơn một năm thí điểm, thời gian gần đây, người dân địa phương và du khách đến chợ Bà Rịa đã cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn về không gian mua sắm của chợ. Hệ thống quầy sạp trong chợ được xây dựng cao ráo, sạch sẽ, ốp gạch men trắng, có bồn nước rửa. Hàng hóa có kiểm dịch của ngành thú y và được niêm yết giá rõ ràng. Các mặt hàng “ăn liền” như bún, bánh phở… được người bán che đậy cẩn thận, đồng thời đeo bao tay khi lấy hàng cho khách.

Ông Dương Tòng Hạ, Tổ phó tổ Nghiệp vụ chợ Bà Rịa cho biết: Chợ Bà Rịa là chợ đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chọn thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm. Chợ hiện có 1.369 ô sạp, trong đó, khu vực để xây dựng mô hình chợ ATTP là 522 ô.  Trong giai đoạn 1 (tháng 8-2014), chợ đã triển khai xây dựng được 63 ô sạp với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí của ngành Công thương là 300 triệu đồng, số còn lại là nguồn ngân sách của TP. Bà Rịa. Các quầy sạp nhạy cảm với vấn đề an toàn thực phẩm (thịt heo, thịt bò, bún) được lựa chọn triển khai thí điểm trước... Sau khi thực hiện thí điểm, không gian mua sắm tại các quầy sạp thay đổi hẳn, sạch sẽ hơn và tạo được tin tưởng cho người tiêu dùng.

Bản thân các tiểu thương tại chợ cũng cảm nhận rõ được sự thay đổi sau khi được chọn thí điểm mô hình. Chị Trần Lệ Ngọc Nga, tiểu thương kinh doanh thịt bò cho hay: “Được chọn là quầy hàng an toàn thực phẩm, việc kinh doanh của chúng tôi thuận lợi hơn vì hàng hóa được bày bán sạch sẽ, dễ nhìn và không phải ngồi kinh doanh ở chỗ ẩm thấp như trước đây”.

Tuy nhiên, theo phản ánh của bà con tiểu thương, chợ Bà Rịa có đến 522 ô sạp nằm trong kế hoạch triển khai chợ ATTP, nhưng hơn một năm qua, chợ mới triển khai được 63 ô sạp là chậm. Do đó, bà con tiểu thương đề nghị cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai các quầy sạp để mô hình chợ ATTP sớm hoàn thành, tạo sự đồng bộ, sạch sẽ ở chợ. Về vấn đề này, Ban Quản lý chợ Bà Rịa cho biết, theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, chợ Bà Rịa sẽ triển khai giai đoạn 2 với 63 ô sạp, tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng.

 Chọn mua hàng tại quầy hàng an toàn thực phẩm.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng mô hình chợ ATTP là rất cần thiết. Vì lâu nay, người tiêu dùng khi mua hàng thực phẩm tại các chợ vẫn không tránh khỏi những lo lắng về vấn đề vệ sinh ATTP. Có nhiều nguyên nhân như: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm định, kiểm dịch, quầy hàng dơ bẩn, thực phẩm tươi sống để lâu bị phân hủy, sử dụng nhiều hóa chất… Nhất là gần đây, người tiêu dùng lại được nghe thông tin người chăn nuôi chích thuốc an thần cho heo để thịt có màu đỏ đẹp, hồng tươi và dai hơn… Khi đến các chợ, người tiêu dùng được tận mắt nhìn thấy nhiều mặt hàng thực phẩm dùng để “ăn liền” nhưng lại được bày bán ở những nơi ẩm thấp, không có dụng cụ che đậy, người bán dùng tay trần bốc thức ăn chín…

Theo thống kê của Sở Công thương, BR-VT hiện có 102 chợ, trong đó có đến 71 chợ hạng 3 và chợ tạm. Nhìn chung các chợ này có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, nền chợ ẩm thấp, không bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều chợ còn họp trên lòng đường, vỉa hè,... Trước thực trạng này, người tiêu dùng mong muốn nên áp dụng rộng rãi mô hình chợ ATTP như chợ Bà Rịa ở nhiều khu chợ khác trong tỉnh.

baobariavungtau.com.vn