Thị trường hàng hóa ổn định. Giá vật liệu xây dựng giảm do nhu cầu xây dựng giảm
Trong tháng 08/2015, Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn Tỉnh nhìn chung giữ mức ổn định, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm biến động nhẹ do ảnh hưởng thời tiết và thời vụ; không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng hay tăng giảm đột biến làm bất ổn thị trường; hàng hoá đa dạng, phong phú về chủng loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Tổng doanh thu thương mại dịch vụ tháng 08/2015 ước 9.449,56 tỷ đồng, tăng 8,24 % so với cùng kỳ. Luỹ kế 08 tháng đầu năm 2015 ước 74.339,99 tỷ đồng, tăng 8,92 % so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu thương mại tăng 9,32 % và doanh thu dịch vụ tăng 7,8 %.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 08/2015 ước 5.162,44 tỷ đồng, tăng 9,29 % so với cùng kỳ. Luỹ kế 08 tháng đầu năm 2015 ước 40.709,95 tỷ đồng, tăng 9,05 % so với cùng kỳ.
Trong tháng giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 02 lần vào ngày 04/8 và 19/8 với tổng mức giảm 1.590 đồng/lít đối với xăng RON 95, xăng RON 92 giảm 1.590 đồng/lít, xăng E5 giảm 1.580 đồng/lít, dầu Diezel 0,05s giảm 1.260 đ/lít và dầu hoả giảm 1.350 đ/lít...Hiện, xăng RON 95 có giá 19.130 đồng/lít, RON 92 giá 18.530 đ/lít, xăng E5 giá 18.040 đ/lít, dầu Diesel 0,05s giá 13.420 đ/lít, dầu hỏa giá 12.400 đ/lít.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn Tỉnh trong tháng 8/2015 tăng 0,05 % so với tháng trước và tăng 0,19 % so với cùng kỳ. So với tháng 12 năm trước, CPI của tỉnh tăng 1,03 %. Nguyên nhân chủ yếu do tác động từ 02 đợt giảm giá xăng dầu liên tiếp vào ngày 20/7 và 4/8; ngoài ra vào ngày 01/8 giá gas bán lẻ tiếp tục được điều chỉnh giảm 667 đồng/kg, tương đương với mức giảm 8.000 đồng/bình 12kg (Hiện nay, giá bán lẻ LPG dao động từ 260.000 - 275.000 đồng/bình 12kg tùy loại); một số mặt hàng VLXD cũng giảm giá, do vào mùa mưa, nhu cầu xây dựng giảm, hàng tồn kho nhiều nên các nhà phân phối giảm giá để kích cầu; Bên cạnh đó do ảnh hưởng thời tiết mưa lớn kéo dài khiến một số vùng trồng rau lớn của tỉnh bị hư hại, năng suất thấp, làm nguồn cung rau giảm dẫn đến giá một số loại rau, củ, quả tăng giá nên đã kéo CPI tháng này tăng nhẹ.
Về công tác quản lý thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với các mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, phân bón, xăng dầu, LPG và ATTP; kiểm tra việc dán tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước; kiểm tra giá thu phí trông giữ xe tại các khu du lịch, khu vui chơi để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ký cam kết năm 2015. Kết quả trong tháng 8/2015, đã kiểm tra 190 tổ chức và cá nhân kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn; phát hiện 28 trường hợp vi phạm, tăng 211,11 % so với cùng kỳ (28/09 vụ), đã xử phạt và thu nộp ngân sách với số tiền 340,875 triệu đồng.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trừ dầu khí vẫn tăng trưởng
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) tháng 08/2015 ước 23.682,26 tỷ đồng, tăng 0,65 % so với cùng kỳ; trừ dầu thô và khí đốt, giá trị SXCN ước 15.876,28 tỷ đồng, tăng 13,86 % so với cùng kỳ. Lũy kế 08 tháng, giá trị SXCN ước 183.596,90 tỷ đồng, giảm 6,55 % so với cùng kỳ; trừ dầu thô và khí đốt 120.552,68 tỷ đồng, tăng 7,28 % so với cùng kỳ.
Giá trị SXCN kể cả dầu thô và khí đốt trên địa bàn tỉnh trong 08 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ chủ yếu do sản lượng khai thác dầu thô giảm, nguyên nhân do giàn khoan Đại Hùng đang trong giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa nên không thể đưa vào vận hành khai thác, đồng thời do giá dầu thô trong 8 tháng đầu năm giảm nên sản lượng khai thác giảm. Tuy nhiên, trừ dầu thô và khí đốt, giá trị SXCN vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ.
Dây chuyền sản xuất Bia tại nhà máy Bia Hà Nội – Vũng Tàu (KCN Mỹ Xuân A, Huyện Tân Thành)
Về sản phẩm, trong số 20 sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có 13 sản phẩm tăng so với cùng kỳ gồm: Nhựa PVC (do sản xuất thêm nhựa Polystyren); Xi măng (do cùng kỳ năm ngoái, tình hình xây dựng công trình giảm mạnh); Thép (do nhà máy VINA KYOEI khánh thành đưa vào hoạt động sản xuất dự án mở rộng nên tuy có tăng về sản lượng nhưng giá trị lại giảm do đang cạnh tranh về giá với thép Trung Quốc); Hải sản chế biến (do nhu cầu thị trường tăng; đồng thời đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài tăng nên các doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất); Bột mì; Khí đốt; Quần áo may sẵn...và có 07 sản phẩm giảm gồm: Bulong, ốc vít, con tán (do nhu cầu đặt hàng của các nhà máy lắp ráp ô tô, xe máy trong nước giảm vì thị trường tiêu thụ không tăng); Tháp gió (do khó khăn về thị trường nên giảm sản xuất, tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp đã sản xuất thêm mặt hàng cấu kiện kim loại để duy trì hoạt động); Giày các loại (do số đơn đặt hàng và nguyên liệu từ công ty mẹ gửi về giảm nhẹ nên các DN phải giảm sản xuất); Dầu thô; Phân đạm (do trong tháng 6/2015, nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng sản xuất 28 ngày để bảo dưỡng tổng thể máy móc thiết bị, công nghệ); Bia các loại (do thị trưởng tiêu thụ giảm và doanh nghiệp có kế hoạch bảo dưỡng dây chuyên, máy móc thiết bị); Gạch men.
Hoạt động xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu toàn địa bàn tháng 8/2015 ước 582,21 triệu USD, tăng 9,66 % so với tháng trước và giảm 48,93 % so với cùng kỳ, nguyên nhân do kim ngạch xuất khẩu dầu khí giảm đến 64,97 % so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí ước 302,21 triệu USD, tăng 16,14 % so với tháng trước và giảm 11,32 % so với cùng kỳ, nguyên nhân do Cty TNHH Vard Vũng Tàu và Cty TNHH Đóng tàu và Cơ khí Hàng hải Sài Gòn trong tháng không xuất khẩu tàu đóng mới.
Tính chung 08 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu toàn địa bàn ước 4.689,67 triệu USD, giảm 35,64 % so với cùng kỳ. Riêng kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí ước 2.119,94 triệu USD, tăng 8,88 % so với cùng kỳ. Trong đó DN 100% vốn trong nước (chiếm tỷ trọng 27,83 % trong kim ngạch xuất khẩu trừ dầu) tăng 45,54 %; DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ trọng 72,17 %) giảm 0,76 %.
Về phía các mặt hàng xuất khẩu, có 08/14 mặt hàng (trừ dầu khí) có kim ngạch xuất khẩu tăng gồm: May mặc tăng 84,87 % so với cùng kỳ ((chủ yếu do công ty TNHH ETOP Việt Nam xuất hơn 22 triệu USD); Vải giả da tăng 47,22 % do sản lượng xuất khẩu tăng vì DN đưa vào hoạt động thêm 01 nhà máy từ cuối năm 2014 và một số sản phẩm khác tăng như túi xách; da thuộc; hạt điều; gạch men, gốm các loại; dầu điều; sản phẩm giả da. Bên cạnh đó, có 06 mặt hàng có kim ngạch giảm gồm: Cao su, thép các loại, hàng giày da và thể thao, hàng hải sản do đơn giá và lượng xuất khẩu giảm; sản phẩm cơ khí giảm 60,14 % do tháng 6 năm 2014 xuất khẩu 01 con tàu trị giá hơn 400 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng này lên gần 500 triệu USD và gấp đôi trị giá xuất khẩu nhóm hàng này so với cùng kỳ năm 2015; riêng mặt hàng tháp gió trong tháng 01/2015 và tháng 06/2015 không xuất khẩu được vì chưa có đơn hàng nên tác động làm giảm kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này trong 08 tháng đầu năm.
Kim ngạch nhập khẩu toàn địa bàn tháng 08/2015 ước 442,70 triệu USD, tăng 7,46 % so với tháng trước, tăng 33,91 % so với cùng kỳ. Luỹ kế 08 tháng ước 2.897,56 triệu USD, tăng 13,79 % so với cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 78,9 %, tăng 15,63 %; khối DN 100% vốn trong nước chỉ chiếm tỷ trọng 21,11 %, tăng 7,4 % so với cùng kỳ.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là sắt thép các loại, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất như: dầu thực vật, lúa mì, nguyên vật liệu may mặc, giày da...
Anh Thy – P.KHTC