Thương mại Thương mại
Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016 tại khu vực phía Nam

Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016 tại khu vực phía Nam, do Ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương và Ông Lê Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì, được tổ chức vào sáng ngày 22/02/2016 tại Tổng Công ty Điện lực miền Nam (72 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Tham dự hội nghị có 65 Tham tán Thương mại, Tham tán Công sứ Việt Nam tại các nước trên thế giới và gần 400 đại biểu là lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam: Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Bình Định, v.v...; lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại các tỉnh thành phía Nam; lãnh đạo các Hội/Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp. Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu có lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đại diện 07 doanh nghiệp tham dự Hội nghị.

Hội nghị Tham tán thương mại năm nay được tổ chức với mục đích đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại nhằm góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đặt trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Do đó, các doanh nghiệp tham gia rất đông, rất quan tâm và đã đặt ra nhiều vấn cho xuất khẩu hàng Việt, cũng như kỳ vọng của doanh nghiệp vào các tham tán thương mại với vai trò là “cánh tay nối dài” của cơ quan nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại. xuất khẩu hiện nay là hết sức cần thiết.

Bên cạnh những thông tin chính từ các Tham tán thương mại, các doanh nghiệp cũng trao đổi thẳng thắn, nói thật những tồn tại về công tác giao thương tại nước ngoài, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, các quy định về nhập khẩu cũng như các rào cản thương mại của từng nước, để doanh nghiệp có thể tránh được rủi ro, thua thiệt trong quá trình mở rộng thị trường xuất khẩu, như: Không nắm rõ về chức năng nhiệm vụ của các Tham tán Thương mại; Khó khăn trong việc thanh toán hợp đồng, có thể bị lừa đảo, đặc biệt là tại thị trường Tây Phi; Đơn vị vận tải thông đồng với các đối tượng khác ăn cắp hàng của doanh nghiệp; Thiếu thông tin về các thị trường, nhất là các chính sách liên quan đến quy định về xuất khẩu hàng hóa vào nước sở tại; Hiện nay, Hoa kỳ không quy định rõ dư lượng kháng sinh trong thực phẩm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với mặt hàng gạo, những giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật tại Việt Nam không được cơ quan Hải quan Hoa Kỳ xem xét. Khi hàng hóa đến Hoa Kỳ, doanh nghiệp phải niêm phong hàng, gửi kho, chờ kiểm định. Nếu hàng hóa đạt tiêu chuẩn, không có chất cấm thì doanh nghiệp mới được giao cho khách hàng.

Trả lời một số vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, các Tham tán Thương mại, đại diện Bộ Công Thương đã cung cấp một số thông tin cần thiết cho doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

- Thị trường Hoa Kỳ:

Trong số 11 nước thành viên TPP xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Việt Nam đứng đầu về mặt hàng dệt may và giày dép. Về dệt may, trong năm 2014, Việt Nam đóng thuế xuất khẩu vào Hoa Kỳ khoảng 1,68 tỷ USD, chiếm 75% tổng số thuế Hoa Kỳ thu được từ tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Về giày dép, 99% giày dép được bán tại Hoa Kỳ là hàng nhập khẩu, với tổng số thuế xuất khẩu thu được trong năm 2014 hơn 2,7 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam đóng thuế xuất khẩu vào Hoa Kỳ khoảng 445 triệu USD, chiếm 99% trong tổng số thuế xuất khẩu giày dép vào Hoa Kỳ của 11 nước thành viên TPP (khoảng 449 triệu USD). Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, thuế xuất khẩu mặt hàng dệt may và giày dép sẽ giảm về 0% ngay trong năm đầu tiên. Theo tính toán của Hiệp hội Giày dép Hoa Kỳ, thị phần giày dép của Việt Nam tại Hoa Kỳ chiếm 12%, đứng thứ 2 sau Trung Quốc, nhưng sẽ tăng lên 22% vào năm 2019. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định TPP, mặt hàng giày dép của Việt Nam sẽ giảm được 450 triệu USD thuế xuất khẩu, sau 10 năm sẽ giảm được khoảng 6 tỷ USD.

Theo tính toán của Viện Peterson Hoa Kỳ, khi TPP đi vào thực thi, Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu 32% và GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 25%. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu và tận dụng các cơ hội do TPP mang lại để tăng xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, cân bằng quan hệ với các khu vực thị trường trọng điểm và phân bố lại nguồn lực trong nước. Đồng thời, cũng cần phải sẵn sàng đương đầu với sức ép cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa do việc giảm thuế nhập khẩu về 0% và mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa nước ngoài.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng thực phẩm và đồ uống cho con người và động vật vào thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý: Một là nghiên cứu nội dung, quy định tại Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA), cần lưu giữ hồ sơ sản xuất, chế biến của từng lô hàng để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc do phía Hoa Kỳ thực hiện; Hai là sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kiểm tra tại chỗ các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm của phía Hoa Kỳ, nếu doanh nghiệp từ chối không cho kiểm tra, cũng đồng nghĩa với việc bị từ chối nhập khẩu; Ba là trong lần xuất khẩu đầu tiên, các doanh nghiệp phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ để giải trình về các biện pháp kiểm soát ngăn ngừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất để đảm bảo rằng sản phẩm sản xuất ra là an toàn đối với người tiêu dùng. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu thực phẩm và đồ uống vào thị trường Hoa Kỳ cần đăng ký chất lượng với Cục Quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ; cần đăng ký cơ sở sản xuất kinh doanh để được cấp mã số kinh doanh của FDA trước khi xuất khẩu hàng hóa; cần đăng ký người đại diện tại Hoa Kỳ (Local Agent).

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả tươi vào Hoa Kỳ: Hiện mới chỉ có 4 loại hoa quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ là thanh long, chôm chôm, vải và nhãn. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang làm việc với phía Hoa Kỳ để được xuất khẩu 2 mặt hàng: xoài và vú sữa. Đối với 1 loại hoa quả của Việt Nam muốn được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ thì thời gian phải làm các thủ tục để được cấp phép mất từ 5- 7 năm.

Đối với những sản phẩm gạo của Việt Nam xuất sang thị trường Hoa Kỳ đang vấp phải yếu tố dư lượng kháng sinh (MRL): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đang tích cực làm việc với Bộ Nông nghiệp, cơ quan Bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề về dư lượng chất kháng sinh trên các loại thực phẩm. Hiện nay, phía Hoa Kỳ rất mập mờ trong vấn đề này, không quy định cụ thể về hàm lượng MRL được phép. Doanh nghiệp có thể liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản để nắm được tiến trình làm việc của Việt Nam với Hoa Kỳ và các dư lượng MRL được quy định như thế nào.

- Thị trường Nhật Bản:

Trong những năm qua, hợp tác kinh tế song phương Việt Nam – Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu. Trong năm 2015, hai bên đã hoàn thành xây dựng Kế hoạch hành động của "Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030", trong đó tập trung phát triển vượt bậc sáu ngành công nghiệp ưu tiên, bao gồm: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản; đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô; phê duyệt Đề án "Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản" vào ngày 12/8/2015.

Cuối năm 2015, hai bên chấp thuận chủ trương liên kết hai nền kinh tế trên cơ sở 03 trụ cột: xây dựng chính sách, tăng năng lực sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, Nhật Bản là một trong những nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

 Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Nhật Bản trong những năm qua tăng rất mạnh. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2015 tăng hơn 2 lần so với năm 2010, kim ngạch năm 2016 dự kiến đạt khoảng 30 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2015. Quan hệ giữa 02 nước ngày càng mật thiết.

Đối với thị trường Nhật Bản, vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt sẽ xuất khẩu được hàng hóa vào Nhật Bản. Các vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị đưa lên truyền hình Nhật Bản, do đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Nhật Bản được quy định rõ ràng, và đã được tham tán thương mại thông tin đến Bộ Nông nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp.

- Thị trường Ai Cập:

Hiện nay, do khủng hoảng tài chính nên Ai Cập kiểm soát chặt chẽ về ngoại tệ. Đồng thời, trong tháng 01/2016, Ai Cập tăng cường kiểm soát nhập khẩu thông qua việc yêu cầu những nhà sản xuất từ tất cả các nước trên thế giới của 24 nhóm hàng hóa phải đăng ký nhà máy sản xuất để có thể xuất khẩu hàng hóa vào Ai Cập. Kể từ sau ngày 15/3/2016, nếu doanh nghiệp không đăng ký nhà máy với cơ quan hữu quan của Ai Cập thì hàng hóa sẽ không được thông quan. Đối với Việt Nam thì tập trung vào các nhóm hàng hóa như: dệt may, sữa, giấy, v.v... 

- Thủ tục xây dựng kho ngoại quan tại nước ngoài:

Ngày 03/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1513/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020; trong đó khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam thành lập kho ngoại quan để cung ứng hàng hóa kịp thời cho các hệ thống phân phối nước ngoài.

Các tham tán thương mại sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu tìm địa điểm xây dựng kho ngoại quan; hỗ trợ thiết lập quan hệ, tìm kiếm sự ủng hộ của chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thành lập kho ngoại quan được tiến hành nhanh hơn; tìm kiếm các đối tác hoặc tư vấn tại chỗ cho doanh nghiệp khi đi vào hoạt động.

Kết luận và các khuyến nghị tại Hội nghị:

Để các Tham tán Thương mại phát huy tốt vai trò của mình, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần lưu ý một số nội dung sau:

- Đối với doanh nghiệp:

+ Nắm rõ chức năng của Tham tán Thương mại là nghiên cứu chính sách của nước sở tại và hỗ trợ doanh nghiệp, để doanh nghiệp dễ dàng và hiệu quả hơn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các Tham tán Thương mại.

+ Khi cần sự hỗ trợ của các Tham tán Thương mại, các doanh nghiệp phải cung cấp nội dung thông tin cần hỗ trợ một cách cụ thể, rõ ràng; phải cung cấp địa chỉ liên lạc để các Tham tán Thương mại thuận tiện trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

+ Chủ động tìm kiếm, nghiên cứu thông tin thị trường và chính sách thương mại tại các nước.

+ Chủ động cung cấp thông tin cho các Thương vụ, Tham tán Thương mại khi giao dịch với các đối tác nước ngoài để các Thương vụ, Tham tán Thương mại kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khi có sự cố xảy ra, như: lừa đảo, tranh chấp thương mại, v.v...

- Đối với chính quyền địa phương:

+ Chủ động cung cấp thông tin về công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, thông tin thị trường tại địa phương cho các Tham tán Thương mại;

+ Chủ động kết nối với các Hiệp hội, địa phương tại các nước, đây là cách xúc tiến thương mại hiệu quả.

Thanh Huyền – QLTM