Các mặt hàng thủy sản của các DN tỉnh BR-VT sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc thâm nhập thị trường các nước EAEU theo FTA Việt Nam - EAEU. Trong ảnh: Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty TNHH TMDV&SX Tứ Hải (P.12, TP.Vũng Tàu). Ảnh: NHỰT THANH |
Ngày 5-10 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (FTA Việt Nam - EAEU) chính thức có hiệu lực. Với những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa ưu đãi thuế cho 90% dòng sản phẩm, tương đương 90% kim ngạch thương mại, là cơ hội để các DN Việt Nam thâm nhập nhiều hơn nữa vào thị trường này.
FTA Việt Nam – EAEU có 6 thành viên, trong đó ở khối EAEU có 5 thành viên, gồm: CHLB Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Tổng dân số của khối EAEU gần 200 triệu người, giá trị tổng sản phẩm - GDP hơn 2.200 tỷ USD. Từ nhiều năm qua, các nước này xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng gồm: xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị… và nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm như: điện thoại và linh kiện, máy vi tính và sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả…
Theo Bộ Công thương, cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và các nước EAEU tương đối bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp. Do vậy, những tác động bất lợi truyền thống của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho các đối tác qua EAEU sẽ giảm nhiều. Ngược lại, FTA Việt Nam - EAEU sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thông thoáng, ổn định để phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước thành viên trong liên minh, đem đến cho DN các nước cơ hội lớn về sản xuất hàng hóa, ưu đãi về thuế, thủ tục hải quan… trong giao dịch ngoại thương.
Bà Bùi Thị Dung - Giám đốc Sở Công thương nhận định: Với FTA Việt Nam – EAEU, tỉnh BR-VT có lợi thế về sản xuất sản phẩm dệt may, da giày, hải sản… trong khi các nước thành viên khối EAEU lại có nhu cầu lớn về các loại sản phẩm này. Đây là cơ hội lớn cho các DN của tỉnh tham gia chuỗi cung ứng mới để tái cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh từ các quốc gia trên cũng rất lớn. Cụ thể như, phân bón từ Nga có giá thành thấp và chất lượng tốt; sản phẩm từ chăn nuôi của các nước trên cũng có giá bán thấp hơn sản phẩm cùng loại của Việt Nam… Do vậy, khi xâm nhập thị trường Việt Nam sẽ tác động đến ngành chăn nuôi trong nước. Bên cạnh đó, các yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa, các rào cản kỹ thuật thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động/thực vật (SPS) của thị trường EAEU không ổn định, rất khó dự báo trước; ngôn ngữ trong giao dịch ở các nước này chủ yếu là tiếng Nga làm hạn chế tìm kiếm thông tin về đối tác, bạn hàng, thanh toán… Đây sẽ là những rào cản mà các DN của tỉnh phải vượt qua để xâm nhập vào thị trường EAEU.
Ngoài giao thương hàng hóa, BR-VT có mối quan hệ gắn bó với các nước thành viên khối EAEU từ lâu nhờ sự phát triển của ngành dầu khí. Hiện nay, rất nhiều người Nga, Belarus đến BR-VT sinh sống, làm việc. Ngược lại, cộng đồng người Việt và nhiều công dân của tỉnh BR-VT cũng chọn Nga, Belarus làm điểm đến để học tập, làm việc, định cư. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhiều năm qua cũng góp phần thu hút du khách từ các nước khối EAEU đến BR-VT du lịch, nghỉ dưỡng.
Bà Trần Thị Việt Hương - Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho hay: Du khách Nga và các nước nói tiếng Nga hầu hết dễ tính, chi tiêu rộng rãi, nhưng không yêu cầu khắt khe về chất lượng dịch vụ, phục vụ. Đến với Việt Nam, họ chủ yếu thích tắm biển, phơi nắng tại các bãi biển đẹp như Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận), Côn Đảo (BR-VT)… và thưởng thức hải sản. Sắp tới, khi các điều khoản cam kết trong FTA Việt Nam-EAEU có hiệu lực thực thi theo lộ trình, chắc chắn dòng khách này sẽ tăng lên theo các con đường đầu tư, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hay đi du lịch, nghỉ dưỡng.
Theo bà Bùi Thị Dung, để tận dụng tốt lợi thế từ FTA Việt Nam-EAEU mang lại, hạn chế khó khăn từ việc mở cửa thị trường theo các cam kết này, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển các ngành nghề kinh tế phù hợp; giúp DN chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm tương thích với môi trường kinh doanh đang biến đổi hiện nay; hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, hạ giá thành, đổi mới máy móc thiết bị, tìm kiếm thị trường; tiếp tục rà soát thủ tục hành chính trong công tác quản lý Nhà nước theo từng chuyên ngành đối với hoạt động xuyên suốt của DN; đào tạo, chuẩn bị đội ngũ chuyên môn có trình độ ngoại ngữ và nắm vững cam kết quốc tế nhằm tận dụng tối đa những ưu đãi do FTA Việt Nam - EAEU mang lại.
Theo lộ trình thực hiện FTA Việt Nam - EAEU, từ nay đến cuối năm sẽ có gần 5.000 dòng thuế cắt giảm về 0%. Các nhóm hàng được giảm thuế về 0% là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất như: phụ liệu dệt may, da giày, chất dẻo nguyên liệu...; một số nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như: giày dép, quần áo, thủy sản, linh kiện điện tử, hàng điện tử gia dụng, nông sản… Đến năm 2018, sẽ có thêm 144 dòng thuế được cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu về 0%. |
Nguồn: Báo BR-VT