Thương mại Thương mại
Tổng quan về các biện pháp phòng vệ trong thương mại Quốc tế

Trong thương mại quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba cột trụ của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại (trade remedies) và được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hoá nước khác. Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu. Trong khi biện pháp chống bán phá giá là để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh thì biện pháp chống trợ cấp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu.

Khác với hai biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, biện pháp tự vệ thường được nói đến như một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Như vậy, biện pháp tự vệ có thể được áp dụng kể cả khi các đối tác thương mại thực hiện kinh doanh một cách chính đáng, không có tình trạng bán phá giá hoặc trợ cấp. Chính vì vậy, biện pháp tự vệ được áp dụng một cách khắt khe hơn so với hai biện pháp còn lại. Nếu như yêu cầu về điều kiện để áp dụng biện pháp chống phá giá và chống trợ cấp chỉ dừng lại ở mức cơ quan điều tra phải chứng minh có tình trạng bán phá giá hay trợ cấp và việc bán phá giá hoặc trợ cấp đó gây thiệt hại “đáng kể” cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước thì trong các cuộc điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ, cơ quan điều tra phải chứng minh được tình trạng thiệt hại “nghiêm trọng” mà ngành sản xuất hàng hóa “tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp” trong nước phải hứng chịu do việc gia tăng “bất thường” của luồng hàng hóa nhập khẩu.

Văn bản quy phạm pháp luật về các biện pháp phòng vệ trong thương mại quốc tế

Để tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước, Việt Nam đã ban hành các văn bản quy định pháp luật về các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Các văn bản đó gồm:

>>Pháp lệnh 42/2002/PL-UBTVQH10 ngày 11/ 06/ 2002 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam

>>Nghị định 150/2003/NĐ-CP ngày 8/12/2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam

>>Pháp lệnh 20/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/04/2004 về việc chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam

>>Nghị định 90/2005/NĐ-CP ngày 11/07/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam

>>Pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH11 ngày 20/08/2004 về chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam

>>Nghị định số 89/2005/NĐ-CP ngày 11/07/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam

>>Thông tư số 38/2015/TT-BCT ngày 25/03/2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

Cơ quan quản lý nhà nước về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ

Để thực thi một cách hiệu quả những chính sách, quy định đã được ban hành, Chính phủ đã thành lập Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương có chức năng giúp Bộ Trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Quản lý cạnh tranh được quy định tại Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ và Quyết định số 848/QĐ-BCT ngày 05/02/2013 của Bộ công Thương.

Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh