Báo cáo thống kê Báo cáo thống kê
Tình hình hoạt động ngành công thương quý I năm 2009

Tình hình hoạt động ngành công thương quý I năm 2009

 

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta, chịu ảnh hưởng mạnh nhất của suy thoái là lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư.

 

Trong nước, đến nay hầu hết các gói giải pháp theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ, nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, đã được các cấp, các ngành triển khai một cách quyết liệt và nhanh chóng.  Trong đó gói giải pháp chính sách tín dụng nói chung và giải pháp cho vay bù lãi suất theo Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 của Chính phủ nói riêng, được các ngân hàng và doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ, góp phần tăng thêm quyết tâm cho doanh nghiệp vượt khó khăn để duy trì sản xuất.

 

Tuy nhiên hiệu quả của các gói giải pháp còn khá hạn chế, bởi trong bối cảnh thị trường đầu ra bị thu hẹp, sản phẩm không tiêu thụ được, không trả được nợ cũ nên ngân hàng không thể cho vay mới, vì vậy số lượng doanh nghiệp và đối tượng được thực sự thụ hưởng chính sách bù lỗ lãi suất của Chính phủ chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

 

Trong tháng 3, tình hình kinh tế vẫn trên đà suy giảm; sản phẩm hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ, tồn kho lớn, nhiều dự án ngưng hoặc giãn tiến độ đầu tư, nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoặc thu hẹp sản xuất. Số lao động bị mất việc làm ngày càng tăng. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Sức mua giảm do người dân chi tiêu tiết kiệm vì thu nhập bị giảm sút. Trong bối cảnh suy giảm xuất khẩu, nền kinh tế đang hướng vào sức cầu nội địa, thì việc giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước là một thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế nước ta.

 

Trên địa bàn tỉnh, tình hình thị trường tương đối ổn định, hàng hóa và dịch vụ dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường không tăng và thậm chí còn giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng cũng là nguyên nhân tác động đến sức mua.

 

 I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP:

 

            Kết quả sản xuất:

 

Trước những khó khăn lớn của nền kinh tế, các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh vẫn phấn đấu hết sức để tìm cách vượt qua suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, trong tháng 3/2009 đã có 3 doanh nghiệp[1] tạm ngưng hoạt động do gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm; một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng (giảm 50-60% công suất) hoặc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tế vì nhu cầu thị trường giảmvà một số nguyên nhân khác về chi phí, ô nhiễm môi trường v.v. Do đó, giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 3 giảm 7,32% so với cùng kỳ; Nhưng lũy kế 3 tháng mức giảm chỉ cón 4,75%. Cụ thể:

 

- Tháng 3/2009: Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo giá cố định 94) ước 4.518 tỷ đồng, đạt 6,5% kế hoạch năm, giảm 7,32% so với cùng kỳ. Trong khi các khu vực kinh tế quốc doanh, FDI có sự sụt giảm, thì điều đáng mừng và đáng quan tâm là sản xuất công nghiệp của khu vực ngoài quốc doanh vẫn có mức tăng 24,16%. Một số địa phương trong tỉnh đạt mức tăng trưởng cao so cùng kỳ là: Bà Rịa tăng 22,29%, Tân Thành 27,17%, Xuyên Mộc 31,83%. Tuy nhiên, cũng có 2 huyện có GTSX CN giảm nhẹ là Châu Đức giảm 1,93% và Long Điền giảm 3,35% so với cùng kỳ.

 

- Lũy kế 3 tháng đầu năm 2009: Giá trị sản xuất công nghiệp ước 13.460 tỷ đồng, đạt 19,4% kế hoạch năm, giảm 4,75%. Đây là mức đạt kế hoạch khá thấp so với các thời điểm cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực quốc doanh 5.132 tỷ đồng, đạt 20,9% kế hoạch năm, giảm 6,08%; khu vực ngoài quốc doanh 2.010 tỷ đồng, đạt 18,3% kế hoạch, tăng 22,19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 6.318 tỷ đồng, đạt 18,6% kế hoạch năm, giảm 10,03%.

 

Nếu phân theo ngành công nghiệp thì công nghiệp chế biến tăng 3,15%, Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước giảm nhẹ 1,55%, Công nghiệp khai thác mỏ giảm mạnh tới 20,0%. Trong đó khai thác dầu giảm 19,08%; khai thác đá và mỏ khác tăng 16,67%.

 

Tình hình phát triển các khu công nghiệp:

 

Toàn tỉnh hiện có 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 7.900ha, vốn đầu tư hạ tầng 15.584 tỷ đồng. Tổng diện tích đất cho thuê là 1.907,17ha; tỷ lệ lấp đầy đạt 36,00%. Nếu không tính KCN Phú Mỹ III, tỷ lệ lấp đầy đạt 40,86%.

 

Hiện có 196 dự án còn hiệu lực hoạt động[2] trong các khu công nghiệp. Trong đó có 126 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, 27 dự án đang xây dựng nhà xưởng, 35 dự án đang chuẩn bị xây dựng.

 

Tình hình phát triển các cụm công nghiệp:

 

Theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 là 46 cụm với quy mô 2.962ha. Hiện nay, việc rà soát điều chỉnh Qui hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoàn chỉnh, đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Đây sẽ là cơ sở để đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các nhà đầu tư có tiềm năng đang rất mong đợi một quy hoạch ổn định để quyết định đầu tư.

 

Tính đến tháng 3/2009, có 43/46 cụm công nghiệp với quy mô 2.720ha được UBND tỉnh giao cho các doanh nghiệp và địa phương làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, kết quả triển khai đã có 03 cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng và thu hút các dự án thứ cấp; 08 cụm công nghiệp[3] đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng. Có 5 cụm công nghiệp đang chờ cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tình hình thực hiện vốn đầu tư của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 195 tỷ đồng. Vốn thực hiện của 3 dự án thứ cấp đạt 182 tỷ đồng, đạt 38,4% vốn đăng ký. Đã có 2 dự án đi vào sản xuất là dự án may của công ty TNHH Tân Mỹ và công ty TNHH Thạnh Mỹ.

 

Trong tháng 3/2009, Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND tỉnh đã làm việc với Sở Công Thương, UBND huyện Tân Thành, Long Điền và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Phước Thịnh để giám sát tình hình phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua các buổi làm việc, Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND tỉnh đã đánh giá, ghi nhận việc thực hiện quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là xuất phát từ thực tế khách quan, nhu cầu phát triển có thực và quá trình triển khai đã có một số kết quả nhất định, thu hút được các nhà đầu tư có năng lực vào đầu tư dự án sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

 

            Tình hình thu hút các dự án đầu tư:

 

Tính đến tháng 3/2009, ngành công nghiệp có 261 dự án[4] còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư 13.054 triệu USD, trong đó có 160 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, 33 dự án đang xây dựng nhà xưởng, 57 dự án đang chuẩn bị triển khai xây dựng, 9 dự án ngưng hoạt động và 2 dự án xây dựng xong nhưng chưa hoạt động.

 

II.  TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI:

 

Tình hình thị trường trong nước: Tổng thể, cung - cầu hàng hóa cân đối, lưu thông thông suốt, không xảy ra tình trạng thiếu các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu, tình hình lạm phát đã được cải thiện. So với tháng trước, giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn tỉnh giảm dần do nguồn hàng cung dồi dào và sức mua giảm. Mặc dù việc áp dụng chính sách giảm 50% thuế GTGT từ 01/02 đã có tác dụng ngay đến thị trường, nhiều mặt hàng được điều chỉnh giảm giá, tuy nhiên hàng hóa vẫn bán rất chậm. Đối với các mặt hàng tiêu dùng không nằm trong danh mục giảm thuế GTGT thì sức tiêu thụ càng chậm hơn. Theo khảo sát thị trường của Sở Công Thương và ý kiến đánh giá của các nhà phân phối, sức tiêu thụ hàng hóa hiện nay giảm từ 10-20% so với cùng kỳ năm trước, còn so với thời điểm Tết, mức giảm lên đến 60-70%. Do sức mua yếu nên sắp tới khả năng các nhà sản xuất buộc phải điều chỉnh lượng sản xuất và nhà cung cấp phải giảm giá hàng hóa để kích cầu.

 

Khoảng từ giữa tháng 2 đến nay, trong khi một số mặt hàng như vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp… giảm giá để kích cầu, thì các mặt hàng lương thực (gạo), thực phẩm (thịt heo) lại tăng giá. Theo các nhà cung cấp, nguyên nhân chính của việc tăng giá gạo là do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đẩy mạnh thu mua hàng xuất khẩu, nên giá ở khu vực đầu nguồn tăng; về thịt heo tăng là do nguồn cung giảm do ảnh hưởng bởi dịch lở mồm long móng đang tái phát ở một số địa phương trên cả nước.

 

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 trên địa bàn tỉnh tăng 0,17% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ, chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh tăng 12,53%. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp có chỉ số giá tiêu dùng tăng trong bối cảnh kinh tế suy giảm, sức mua liên tiếp sụt giảm sau Tết. Trong đó, nhóm dịch vụ ăn uống tăng 0,13% so tháng trước, so cùng kỳ tăng 19,91% ; tiếp đến là mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng 0,45% so tháng trước, so cùng kỳ tăng 12,98% và các mặt hàng thời trang (may mặc, nón, giày dép) tăng 0,58% so tháng trước, so cùng kỳ tăng 7,16%. Điều bất hợp lý là trong tháng 3 tăng cao nhất lại là nhóm hàng thời trang, nhóm có sức mua giảm thiểu nhiều nhất, được các nhà sản xuất và phân phối lý giải do giá điện và nước tăng, mà tất cả các khâu của sản phẩm thời trang đều phải có chi phí của điện và nước, khiến giá thành sản phẩm đội lên. Đây cũng là bài toán hóc búa đối với các nhà quản lý ngành hàng này, hoặc là chịu thua lỗ, hoặc thu hẹp sản xuất. Còn các nhà kinh doanh sản phẩm thời trang thì chịu đựng cảnh hàng hóa ế ẩm.

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ:

 

- Tháng 3: Tổng doanh thu thương mại dịch vụ ước 4.365 tỷ đồng, đạt xấp xỉ so với tháng trước, giảm 3,92% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu thương mại 3.105 tỷ đồng, xấp xỉ bằng tháng trước, so với cùng kỳ giảm 10,29%; Doanh thu dịch vụ 1.260 tỷ đồng, tăng 16,49% so với cùng kỳ, nhưng giảm 0,14% so với tháng trước. Điều này cho thấy, nguyên nhân chủ yếu tác động đến mức tăng trưởng so với cùng kỳ chủ yếu do yếu tố giá.

 

- Lũy kế 3 tháng: ước 13.867 tỷ đồng, đạt 20,89% kế hoạch năm, tăng 6,19%. Trong đó doanh thu thương mại 10.040 tỷ đồng, đạt 21,78% kế hoạch năm, tăng 2,66%; Doanh thu dịch vụ 3.826 tỷ đồng, đạt 18,85% kế hoạch năm, tăng 16,72%. Trong đó, có 02 nhóm dịch vụ tăng cao là: Dịch vụ cảng ước 227 tỷ đồng, đạt 22,54 % KH năm, tăng 21,99 %;  Dịch vụ du lịch ước 337 tỷ đồng, đạt 25,39% KH, tăng 17,28%. Thu hút khoảng 1.912 ngàn lượt khách du lịch đạt 25,39% KH, tăng 17,64% so CK; trong đó khách quốc tế 47,18 ngàn lượt giảm 17,13%.

 

Tỉnh đã tổ chức thành công Khai hội Văn hóa Du lịch năm 2009. Khởi công xây dựng một số dự án du lịch, nổi bật nhất là dự án Khu du lịch 5 sao Crown Land Long Hải quy mô 05ha tại huyện Long Điền với vốn đầu tư 386 tỷ đồng. Hưởng ứng Chương trình hành động Ấn tượng Việt Nam của ngành du lịch, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai thực hiện chương trình giảm giá dịch vụ.

 

Xuất khẩu : Kim ngạch xuất khẩu toàn địa bàn tháng 3 ước 323,61 triệu USD, đạt 5,18% kế hoạch năm, giảm 67,99% so với cùng kỳ. Lũy kế 3 tháng toàn tỉnh ước 905,81 triệu USD, đạt 14,5% kế hoạch năm, giảm 67,55%. Chủ yếu do giảm dầu thô.

 

Trừ dầu khí, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước 43,09 triệu USD, đạt 4,07% kế hoạch năm, giảm 23,91%. Lũy kế 3 tháng ước 128,35 triệu USD, đạt 12,12% kế hoạch năm, giảm 26,82%.

 

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu (trừ dầu khí): Tất cả các nhóm hàng xuất khẩu đều có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng giảm so cùng kỳ. Cụ thể : Nhóm hàng nông - lâm sản chiếm 7,32% tỷ trọng, giảm 41,54%; Hàng hải sản chiếm 26,68%, giảm 16,67%; Hàng CN và TTCN chiếm 65,99%, giảm 27,53%.

 

Dự báo trong những tháng tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng vẫn có chiều hướng tiếp tục giảm, nhất là các nhóm hàng nông sản và CN-TTCN.

 

Hiện khó khăn chung là thị trường xuất khẩu chủ yếu của các DN trong tỉnh như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... đang suy giảm mạnh. Nhiều đối tác đề nghị (gần như ép buộc) doanh nghiệp xuất khẩu cho bán hàng trả chậm, bởi nếu không cho trả chậm bạn hàng sẽ cắt hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng không mở được L/C do khống chế từ ngân hàng phía nhập khẩu. Mặt khác, do việc thả nổi đồng tiền của các thị trường chính như Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc… giá các loại hàng hóa nhất là các mặt hàng như hải sản khô, surimi xuất qua Nga và Hàn Quốc giảm mạnh, thậm chí gần như đóng băng do phía đối tác không tiêu thụ được.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa của các nước Trung Quốc, Ấn Độ, …

 

Tuy nhiên, với sự phấn đấu tích cực của các doanh nghiệp và một số dấu hiệu phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh nhận định tình hình lạc quan hơn. Có một số doanh nghiệp đã khá ổn định đơn hàng vào những ngày cuối Quý I.

 

Nhập khẩu: Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 3 toàn địa bàn ước 40,49 triệu USD, đạt 3,37% kế hoạch năm, giảm 65,97% so cùng kỳ. Lũy kế 3 tháng ước 139,82 triệu USD, đạt 11,65% kế hoạch năm, giảm 57,44%. Trong đó kinh tế trong nước 11,84 triệu USD, chiếm 8,47%, giảm 78,01%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 127,98 triệu USD chiếm 91,53%, giảm 53,39%. Do tình hình sản xuất trong nước gặp khó khăn, tồn kho lớn nên các doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu.

 

[1] Công ty TNHH Bluescope Steel Việt Nam; Công ty TNHH công nghiệp kính Việt Nam; Xưởng sản xuất khung nhà tiền chế.

[2] 99 dự án trong nước, vốn đầu tư 3.036,2 triệu USD và 97 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư 8.436,7 triệu USD

[3] Boomin, Hắc Dịch 2, Tóc Tiên 2, Tân Hòa, An Ngãi, Tam Phước 2, Long Mỹ, Đồng Thầy.

[4] 119 dự án trong nước, vốn đầu tư 3.581,6 triệu USD và 142 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư 9.472,4 triệu USD