Tổng quan về APEC
Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á — Thái Bình Dương (APEC) là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng khu vực Châu Á — Thái Bình Dương.
Các nền kinh tế thành viên APEC cùng hướng tới mục tiêu chung xây dựng một Cộng đồng Châu Á — Thái Bình Dương năng động, hài hòa và tự cường, thông qua việc đi đầu tự do hóa và mở cửa thương mại và đầu tư, đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực, khuyến khích hợp tác kinh tế và kỹ thuật và thúc đẩy hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. Các sáng kiến APEC nhằm đưa các mục tiêu chính sách và các thỏa thuận thành những kết quả và lợi ích cụ thể, thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp.
APEC được thành lập vào tháng 11 năm 1989 với 12 thành viên sáng lập: Australia, Nhật Bản, Brunây, Canađa, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippin, Singarpore, Thái Lan và Hoa Kỳ. Hiện nay, APEC gồm 21 thành viên, ngoài 12 thành viên sáng lập, các thành viên khác bao gồm: Trung Quốc, Hồng Công - Trung Quốc, Ðài Loan - Trung Quốc, Mehico, Papua New Guinea, Chi-lê, Peru, Nga và Việt Nam. Từ năm 1989 đến năm 1992, APEC tổ chức các cuộc đối thoại không chính thúc ở cấp các quan chức cao cấp và cấp Bộ trưởng. Năm 1993, theo sáng kiến của Nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, APEC đã thống nhất tổ chức Hội nghị đầu tiên của các Nhà lãnh đạo kinh tế hàng năm nhằm xác lập các tầm nhìn và định hướng chiến lược cho hợp tác khu vực
Trong gần 30 năm hình thành và phát triển, APEC đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như đưa Châu Á — Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, đại diện cho 39% dân số, 57% GDP và 49% thương mại thế giới; góp phần tích cực nâng cao năng lực hội nhập, liên kết của các nền kinh tế thành viên đang phát triển, đồng thời góp phần vào sự phát triển và liên kết kinh tế của Châu Á — Thái Bình Dương. APEC đã triển khai hơn 1.600 dự án nâng cao năng lực trị giá 23 triệu USD. Hằng năm APEC triển khai khoảng 150 dự án.
Năm APEC Việt Nam 2017
Tháng 11 năm 1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn APEC. Trong gần 20 năm qua, diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Diễn đàn APEC hội tụ hầu hết các đối tác hàng đầu của Việt Nam về chiến lược, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, công nghệ, viện trợ phát triển và đào tạo nguồn nhân lực.
Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 họp ngày 05-07/10/2013 ở Bali, Indonesia, các nền kinh tế thành viên đã nhất trí ủng hộ Việt Nam tổ chức năm APEC 2017. Ðiều này thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của các nền kinh tế thành viên đối với nước ta.
Với thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao sau gần 30 năm đổi mới và kinh nghiệm tổ chức thành công năm 2006, việc một lần nữa đăng cai Năm APEC là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với Diễn đàn nhằm thúc đẩy quan tâm chung trong bối cảnh mới. Năm APEC 2017 còn có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành thành viên của Diễn đàn (1998-2018).
Cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 cũng như nỗ lực hoàn tất các Cam kết gia nhập WTO vào năm 2018, Năm APEC 2017 khẳng định quyết tâm của Việt Nam tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện.
Việc đăng cai năm APEC2017 còn giúp nước ta có thêm những cơ hội mới để tranh thủ nhiều hơn sự ủng hộ và hỗ trợ của APEC phục vụ việc hoàn tất các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của đất nước.
Với chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của Đại hội Đảng lần thứ XII (näm 2016), việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 là một trọng tâm của đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Với ý nghĩa đó, Việt Nam có bốn kỳ vọng lớn:
(l) Việt Nam có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình APEC, làm cho hợp tác APEC thực chất và có hiệu quả hơn. Trước những thách thức đan xen đối với phát triển, APEC cần tìm kiếm động lực mới thúc đẩy tăng trưởng bền vững và làm sâu rộng liên kết, kết nối khu vực. Trong đó, then chốt là việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại - đầu tư vào năm 2020.
(2) Kết quả họat động của năm 2017 tiếp tục nâng cao vị thế APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng và hình thành liên kết khu vực sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á — Thái Bình Dương và thế giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư.
(3) Thông qua Năm APEC 2017 để tăng cường tình hữu nghị, làm sâu sắc quan hệ đối tác với các nền kinh tế thành viên hiện là những trung tâm kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện kết nối, thiết lập các mối quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới.
(4) Quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập; mang lại những cơ hội phát triển, quảng bá, giao lưu cho các vùng miền, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiêp Việt Nam có thêm điều kiện học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và hiểu biết về Diễn đàn APEC.
Các hoạt động phong phú của APEC sẽ diễn ra trên khắp cả nước và trong suốt năm 2017 là những cơ hội lớn để các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh, kết nối, hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh, giới thiệu các sản phẩm vùng miền các đối tác then chốt và các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Với sự chuẩn bị chu đáo, các Tỉnh thành có thể tranh thủ nhiều hơn tiềm năng to lớn về thị trường, tài chính, công nghệ của APEC; gặp gỡ lãnh đạo, quan chức và các tập đoàn khu vực để tìm kiếm đối tác đầu tư, đối tác chiến lược, ký kết thỏa thuận hợp tác... Qua tham gia, đóng góp tổ chức các sự kiện, nhận thức và kỹ năng hội nhập của cán bộ, doanh nghiệp và người dân có điều kiện nâng cao, góp phần hình thành văn hóa hội nhập của địa phương.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đóng vai trò rất quan trọng để góp phần tạo dấu ấn Việt Nam cho năm APEC Việt Nam 2017, thông qua phát huy vai trò trong các hoạt động của doanh nghiệp APEC mà nước ta tổ chức, và ở tầm cao hơn là đóng góp, đề xuất ý tưởng thúc đẩy hợp tác APEC; góp phần làm cho các chuyến thăm song phương của Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC trong 2017 đạt kết quả thiết thực, tham gia ký kết thỏa thuận, hợp đồng, tọa đàm, kết nối doanh nghiệp... Đồng thời, phát huy vai trò năng động, sáng tạo trong quảng bá tiềm näng mới của đất nước, địa phương và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh doanh, hoạt động du lịch,..
Năm 2017, Việt Nam sẽ đón tiếp, gặp gỡ hàng chục nghìn đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên từ các nền kinh tế thành viên APEC. Ðây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của người dân. góp phần vào thành công Năm APEC Việt Nam 2017, người dân cần: Ứng xử văn minh, chào đón hòa nhã, thân thiện; gìn giữ môi trường, cảnh quan sạch đẹp để giúp bạn bè quốc tế cảm nhận được những nét đẹp của nền văn hiến và con người Việt Nam.Đây cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập của nước ta trong giai đoạn phát triển mới.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về năm APEC Việt Nam 2017, các doanh nghiệp và người dân tham khảo trên trang www.apec2017.vn và www.apec.org
Thanh Huyền – P.QLTM