Ngày 05 tháng 11 năm 2018, UBND tỉnh ban hành công văn số 11207/UBND-VP về việc triển khai thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 28 tháng 9 năm 2018 (Thông báo số 717/TB-BCĐĐHG ngày 17/10/2018). Theo Thông báo số 717/TB-BCĐĐHG, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có ý kiến chỉ đạo như sau:
Diễn biến giá trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng sát với kịch bản dự báo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2018 tăng 0,59% so với tháng trước, bình quân 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2017 tăng 3,57%. Khả năng thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% trong năm 2018 theo chỉ tiêu Quốc hội giao là trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có các biến động quá bất thường từ diễn biến địa chính – chính trị và thị trường hàng hóa thế giới.Trong 3 tháng cuối năm 2018, mặt bằng giá thị trường chịu tác động đan xen của các yếu tố làm tăng áp lực và các yếu tố tạo thuận lợi cho công tác điều hành giá, đặt ra yêu cầu công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục cố gắng nỗ lực, đặc biệt không để xảy ra lạm phát kỳ vọng của năm 2018 và cả trong năm 2019.
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây (xăng dầu, LPG, thịt lợn), chủ động rà soát, cân đối cung cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường, đặc biệt là trong các thời điểm lễ, Tết. Tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá (thuốc chữa bệnh cho người, vật tư y tế, dịch vụ sử dụng đường bộ BOT...). Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, trong việc điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu: nông sản, xăng dầu, điện, dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh cho người, dịch vụ giáo dục, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, dịch vụ hàng hải, dịch vụ viễn thông. Các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác cho các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp. Trường hợp có biến động lớn về giá xăng dầu cần phải tính đến việc tạm không trích quỹ trong một thời gian để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy tăng tỷ trọng sử dụng nhiên liệu sinh học trong tổng lượng tiêu thụ xăng dầu nhằm giảm mặt bằng giá xăng dầu cũng như góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt đối với mặt hàng điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát các chi phí giá thành của ngành điện trong các năm 2017, 2018 và dự kiến 2019 để đề xuất kịch bản điều hành giá phù hợp cho năm 2019. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức phù hợp, gắn với đó là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin về giá. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường các giải pháp nhằm giảm chi phí giá thành, tổn thất điện năng, tăng sử dụng các nguồn phát điện có chi phí thấp như thủy điện.
Đối với các mặt hàng thuộc thẩm quyền định giá của địa phương, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chú trọng rà soát các yếu tố chi phí, đánh giá kỹ tác động lên mặt bằng giá tại địa phương nói riêng và mặt bằng giá cả nước nói chung, tránh điều chỉnh tăng giá khi chưa có đủ các điều kiện phù hợp. Đẩy mạnh kiểm soát việc thực hiện công tác niêm yết giá, kê khai giá và kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về giá tại địa bàn, nhất là các tháng trước, trong và sau Tết./.
Đoan Thùy-P.KHTC