Định hướng - Quy hoạch Định hướng - Quy hoạch
Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 phê duyệt Đề án "Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025".

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, hướng tới thặng dư trong cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mục tiêu cụ thể của Đề án phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6,6 - 7,1%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 41,5-42% vào năm 2020. Giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7-7,5%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 43-44% vào năm 2025.

Đến năm 2020, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 25%. Đến năm 2025, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 30-35%.

Về tài chính - ngân hàng: Đến năm 2020 có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực Châu Á; đến năm 2025 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%; tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng/tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại 16-17%; tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng dưới 3%; ít nhất 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.

Công nghệ thông tin và truyền thông: Đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 10-15%. Duy trì sức cạnh tranh, giữ vững vị trí Việt Nam nằm trong số 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số; Đến năm 2025, công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn; Việt Nam có khả năng chủ động trong việc sản xuất được các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, điện tử, các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, đảm bảo an toàn thông tin và chủ quyền quốc gia số.

Phân phối: Đến năm 2020, tăng tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đạt 30%, tốc độ tăng trưởng bình quân đối với lĩnh vực thương mại điện tử tối thiểu đạt 20%/năm; tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử chiếm trên 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đến năm 2025, tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đạt khoảng 38%; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 đạt 9%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 8,1 triệu tỷ đồng; giá trị gia tăng thêm lĩnh vực thương mại trong nước đến năm 2025 đóng góp khoảng 13,5% vào GDP.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Đến năm 2020, bình quân hàng năm đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 2,2-2,4 triệu người, trong đó trình độ trung cấp, cao đăng chiếm khoảng 25-30%, khoảng 10-15% được đào tạo theo các ngành, nghề trọng điểm, khoảng 70-75% có việc làm sau đào tạo. Đến năm 2025, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 4,6 triệu người, ít nhất 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; phát triển quy mô và mạng lưới trường các cấp bậc học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục; hội nhập quốc tế về giáo dục.

Về logistics và vận tải: Đến năm 2020, tổng sản lượng vận tải toàn ngành khoảng 1.300 tỷ tấn.km (tương đương 2,2, tỷ tấn hàng hóa), 340 tỷ hành khách.km ( tương đương 6,3 tỷ lượt khách) với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm sản lượng vận tải hàng hóa, hành khách giai đoạn 2013-2020 từ 8% đến 10%. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-15% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Khoa học và công nghệ: Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 30-50% vào tăng trưởng kinh tế; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị tăng trung bình 20%/năm; giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15%/năm. Đến năm 2025, thông qua yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 20%/năm.

Du lịch: Đến năm 2020 thu hút khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế, 85-90 triệu lượt khác nội địa; đóng góp khoảng 9-10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra trên 4 triệu việc làm, trong đó trên 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Đến năm 2025, thu hút khoảng 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa; du lịch đóng góp trên 10% GDP; đảm bảo 70% lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 45 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp.

Về y tế: Đến năm 2020 đạt 27,5 giường bệnh và 9 bác sĩ trên 1 vạn dân; đến năm 2025 phấn đấu đạt 30 giường bệnh, 10 bác sĩ trên 1 vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ trọng chi tiêu công cho y tế đạt 4% GDP. Tỷ trọng chi tiêu tiền túi giảm còn 35% tổng chi cho y tế. Tỷ lệ hộ gia đình có chi phí y tế thảm họa không quá 2%.

Toàn văn nội dung Quyết định số 283/QĐ-TTg tại đây.

Ái Hằng-P.QLTM