Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực trên toàn diện các lĩnh vực. Thể chế quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở, của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm được nâng cao. Những vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội đã được kiểm soát giảm cả số lượng, mức độ và hiện tượng. Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn khó khăn, thách thức do sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn nhiều. Thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến. Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ với nhiều nguy cơ không bảo đảm an toàn còn khó khăn. Thực phẩm lậu, thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn vẫn còn nhiều. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, ngày 13 tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp
Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các qui định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm;
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định;
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chương trình phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm của Chính phủ với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên;
Ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Chỉ đạo phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn;
Tăng cường quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ;
Bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý an toàn thực phẩm;
Căn cứ vào Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn văn Chỉ thị số 17/CT-TTg tại đây.
Anh Thư - VPS