Đã 40 năm, kể từ khi đặt mối quan hệ ngoại giao, làm nền tảng để tiến đến các quan hệ kinh tế-thương mại, Nhật Bản và Việt Nam đã gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp trên nhiều mặt. Hai bên luôn coi trọng quan hệ hợp tác với nhau, thúc đẩy cùng nhau phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam và Nhật Bản càng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực, và trở thành đối tác chiến lược.
Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước, địa phương BR-VT cũng đã tích cực phát triển quan hệ với các đối tác Nhật Bản và trở thành một trong những điểm đến sớm, hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Lãnh đạo tỉnh trao kỷ niệm chương cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại BR-VT
Những dự án đến sớm
Theo ông Trần Minh Sanh, chủ tịch UBND tỉnh, nhà đầu tư Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam ngay từ khi Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư. Đó là thời điểm mà nền kinh tế đang khó khăn nhất, khó khăn cả về cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý, môi trường đầu tư, nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản đã không ngần ngại vượt các chướng ngại vật đó để đặt những đồng vốn đầu tư đầu tiên vào Việt Nam. Trong đó có BR-VT.
Từ năm 1990, Hikisen đã đặt chân đến BR-VT với việc hợp tác liên doanh với Công ty Xuất nhập khẩu Vũng Tàu sản xuất các mặt hàng quần áo, túi sách...Mười năm sau, khi hết thời hạn của liên doanh và Công ty Xuất nhập khẩu Vũng Tàu giải thể, chủ đầu tư phía Nhật Bản quyết định tiếp tục ở lại, để cái tên Hikosen gắn chặt với địa danh BR-VT và xin phép thành lập Công ty 100% vốn nước ngoài, lấy tên Công ty là Hikosen Cara.
Ở lĩnh vực công nghiệp, cái tên Vina Kyoei của các nhà đầu tư Nhật Bản cũng được người dân BR-VT biết đến từ năm 1995, khi chính thức nhà đầu tư này đưa nhà máy đi vào hoạt động tại KCN Phú Mỹ I, với những sản phẩm thép gân, thép tròn trơn và thép cuộn, phục vụ ngành xây dựng lần đầu tiên được SX tại BR-VT. Đây cũng là nhà máy đặt nền móng cho việc hình thành trung tâm SX thép lớn nhất cả nước tại BR-VT.
Cũng tại thời điểm năm 1995, trên lĩnh vực chế biến thủy sản, qua giao thương với khách hàng Nhật Bản trong 4 năm (từ năm 1991), Công ty CP Hải Việt của BR-VT đã thu hút được sự quan tâm của các đối tác Nhật Bản và trở thành một trong những doanh nghiệp chế biến thủy hải sản đầu tiên của tỉnh được đối tác Nhật chọn hợp tác liên doanh liên kết, đầu tư nhà máy chế biến, gia công các mặt hàng thủy hải sản cung cấp cho thị trường Nhật Bản.
Một nhà đầu tư Nhật Bản cũng góp mặt sớm và thành công tại BR-VT phải kể đến là Nippon Steel & Sumitomo Metal. Tập đoàn này đặt chân đến BR-VT năm 2010. Với mục tiêu đặt một nhà máy chuyên sản xuất cọc ống thép, ván cọc ống thép, phục vụ cho việc XD các cơ sở hạ tầng cầu, đường, tập đoàn này đã thành lập Công ty Nippon Steel& Sumikin Việt Nam và khởi động XD nhà máy tại KCN Phú Mỹ. Tháng 6-2010, nhà máy chính thức đi vào hoạt động.
Thành công cũng nhanh
Có thể nói, dù “đi đầu”gặp rất nhiều khó khăn song các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn được triển khai và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh đúng tiến độ, hiệu quả và gặt hái nhiều thành công, đưa rất nhiều sản phẩm mới vào phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo sức lan tỏa đối với các lĩnh vực khác.
Trên cái nền của 10 năm đầu gầy dựng tại BR-VT, Hikosen Cara nhanh chóng ổn định SX ngay sau khi thành lập Công ty 100% vốn nước ngoài với đội ngũ công nhân lao động lành nghề lên đến 500-600 người. Đến nay, đã hơn 23 năm Hikosen Cara gắn bó với bến đỗ BR-VT và phát triển qui mô SX với trên 500 thiết bị máy móc ngành may mặc, giải quyết việc làm cho trên 800 người, công suất SX đạt đến 1 triệu sản phẩm mỗi năm bao gồm: giày dép vải, túi sách, quần áo phụ nữ và trẻ em, các loại thú nhồi bông, áo len; Các sản phẩm phòng ngủ như: mền, gối, ra trải giường; Sản phẩm nhà bếp như: tạp dề, gang tay, miếng lót, dán các dụng cụ như ly, chén, tay cầm cửa tủ lạnh.... 80% sản phẩm của Hikosen Cara xuất khẩu khắp các thị trường trên thế giới, 20% tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, và cũng đã để lại dấu ấn trong người tiêu dùng Việt Nam về chất lượng bền, đẹp, mẫu mã phong phú, bắt mắt.
KCS kiểm hàng trước khi nghiệm thu
Với Vinakyoei, sau gần 20 năm đặt nhà máy tại BR-VT, qui mô hoạt động của doanh nghiệp đã được mở rộng từ một nhà máy chỉ SX các sản phẩm thép ngành xây dựng công suất 300.000 tấn mỗi năm từ nguyên liệu phôi nhập khẩu, lên thêm một nhà máy luyện phôi thép công suất 450.000 tấn năm để chủ động nguồn nguyên liệu. Nhà máy đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 250 lao động Việt Nam trong suốt 20 năm qua.
Còn Hải Việt, hiện Liên doanh này đang chế biến, gia công khoảng trên 300 mặt hàng sushi, sasimi từ nguyên liệu thủy hải sản. Những năm 2008, 2009, dù tình hình kinh tế rất khó khăn, song với số lượng khách hàng ổn định tại Nhật, với chất lượng sản phẩm cung cấp ổn định và phong phú, Hải Việt vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu cao và chạm đến ngưỡng 40 triệu USD. Năm 2012, giá trị kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp lên đến 42 triệu USD. Con số này dự kiến sẽ tăng bình quân 12-15% mỗi năm trong giai đoạn đến 2020.
Không kém cạnh, sự có mặt của Nippon Steel& Sumikin Việt Nam tại BR-VT đã kịp thời cung cấp các sản phẩm phục vụ cho việc đầu tư phát triển cụm cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải và cụm cảng nhóm 5. Đây cũng là lợi thế cho Nippon Steel& Sumikin Việt Nam tăng nhanh sản lượng ngay khi vừa hoàn thành đầu tư nhà máy. Năm 2012, tổng sản lượng sản xuất của nhà máy đã đạt đến 38.000 tấn. Từ nay đến năm 2025 sẽ là một giai đoạn Nippon Steel& Sumikin Việt Nam phát huy tối đa năng lực để cung cấp sản phẩm cho thị trường Việt Nam. Bởi ngay nơi nhà máy đóng chân là một công trường xây dựng lớn các ngành: cảng biển, logistics và công nghiệp nặng...
Dòng vốn từ Nhật Bản tiếp tục chảy vào BR-VT và phát huy hiệu quả
Tiếp sau những bước chân đầu tiên của các nhà đầu tư Nhật Bản đến BR-VT, hiện tổng cộng đã có 18 dự án đầu tư từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD. Trong đó 12 dự án đã đi vào hoạt động với ngành nghề kinh doanh đa dạng: sản xuất thép, ren và gia công ống dầu khí, cơ khí, khuôn mẫu, cảng biển, may mặc, hải sản. Mặc dù số lượng dự án và vốn đầu tư đăng ký chưa nhiều, nhưng tỷ lệ vốn thực hiện đạt khá cao, chiếm khoảng 70% so với tổng vốn đầu tư đăng ký. Không chỉ thành công ở lĩnh vực đầu tư, hợp tác về thương mại và du lịch giữa BR-VT với Nhật Bản trong thời gian qua cũng đạt nhiều kết quả đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu với Nhật Bản trong năm 2012 đạt khoảng 110 triệu USD, 6 tháng đầu 2013 đạt 50 triệu USD, trong đó mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hải sản, cao su, kính, may mặc. Hàng năm có khoảng 3.000 lượt du khách Nhật Bản đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Không chỉ dừng lại ở đó, với những tiềm năng lợi thế riêng của mình, trong đó đặc biệt có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, BR-VT đã và đang đẩy mối quan hệ ngoại giao-giao thương lên mối quan hệ thân thiết hơn, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa – xã hội với Nhật Bản và đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với một số địa phương của Nhật Bản như thành phố Kawasaki, tỉnh Hyogo. Hai bên đang tiếp tục thúc đẩy nhiều hoạt động hỗ trợ nhau phát triển.
Huỳnh Liễu.