Thương mại Thương mại
HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU ĐẦU NĂM 2014: Đã có nhiều tín hiệu vui

Không giống như những năm trước, năm nay tình hình xuất khẩu của các DN trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2014, đặc biệt là ở những ngành nghề xuất khẩu chủ lực. Nhiều DN phấn khởi cho biết đã ký được đơn hàng đến hết năm, khai thác thị trường mới. 

 Đạm Phú Mỹ xuất 240 tấn hàng sang Myanmar trong tháng 1-2014.

Bước sang năm 2014, ngoài những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa đã ký thêm được đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ với giá trị hợp đồng đến hết năm 2014. Trung bình mỗi tháng, Công ty xuất 20 tấn mủ cao su sang Mỹ. Đến thời điểm này, 70% sản lượng mủ cao su của công ty đã ký được hợp đồng dài hạn cho các khách hàng truyền thống. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, trong năm 2014, Công ty đã đề ra mục tiêu đạt sản lượng khai thác 7.000 tấn mủ (tăng hơn 1.000 tấn so với năm 2013), năng suất bình quân 1,73 tấn/ha, doanh thu đạt 450 tỷ đồng, lợi nhuận 65,6 tỷ đồng.

Ngay từ cuối năm 2013, Công ty TNHH Hy Vọng (chuyên sản xuất các mặt hàng đan len, may mặc)... cũng nhận được đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan... đến hết năm 2014. Ông Phạm  Ngọc Tường, Gíam đốc Công ty cho biết: So với năm ngoái, năm nay giá trị hợp đồng đơn hàng và sản lượng sản phẩm xuất khẩu tăng 10%, trong đó có 80% sản phẩm của Công ty xuất sang Nhật Bản và 20% sản phẩm xuất sang Đài Loan. Để thực hiện các đơn hàng này, công ty phải nâng cao năng suất, cải tiến phương pháp, đồng thời chủ động nguồn nguyên liệu và nhân lực trong sản xuất.

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Thăng Long (TP. Vũng Tàu).

Không chỉ ngành may mặc, cao su..., một số ngành hàng khác như phân bón, hải sản, cơ khí dầu khí... cũng đã có những khởi đầu tốt đẹp. Chẳng hạn, tại Công ty TNHH Tứ Hải (chuyên sản xuất, chế biến các loại sản phẩm khô như: cá đục, cá trích, cá đổng, cá mai và bạch tuộc đông lạnh), từ đầu năm 2014 đến nay cũng đã xuất khẩu các lô hàng sang Nhật Bản với giá trị kim ngạch đạt hơn 1 triệu USD. Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) cũng  “xuất ngoại” được lô hàng 240 tấn Đạm Phú Mỹ sang thị trường Myanmar trong những ngày đầu năm...

Theo báo cáo của Sở Công thương, trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu khí) toàn tỉnh đạt hơn 137 triệu USD, tăng 7,26% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, DN trong nước đạt gần 40 triệu USD, tăng hơn 4%; DN có vốn đầu tư nước ngoài hơn 97 triệu USD, tăng 8,57%. Trong 3 nhóm ngành hàng, nhóm hàng CN và TTCN tăng 10,24%, đạt hơn 96 triệu USD, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như: sản phẩm cơ khí tăng gần 30%, túi xách tăng 13,9%, sản phẩm giả da tăng 12%... Nhóm hàng hải sản đạt 28 triệu USD, chiếm 20,43%, tăng 1,4% về giá trị và 1,6% về sản lượng.

Năm 2014, ngành Công thương đề ra chỉ tiêu đạt tổng kim ngạch xuất (trừ dầu khí) đạt gần 2,2 USD, tăng 8,9%. Theo phản ánh của các DN, với những dấu hiệu tích cực như hiện nay mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, nhờ việc mở rộng thị trường, cũng như các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán để tiến tới ký kết với các đối tác. Đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực kết thúc các vòng đàm phán được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho hoạt động xuất khẩu. 

PHAN HÀ


 

ÔNG ĐỖ VÂN LONG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG:

Đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu

Năm 2014, ngành Công thương đề ra mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, phát triển xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm đã qua chế tác, tinh chế. Để đạt được mục tiêu này, ngành Công thương khuyến khích các DN hoạt động trong lĩnh vực hải sản cải tạo, nâng cấp nhà máy chế biến để đạt được tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản… Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng khuyến khích và đề xuất giải pháp hỗ trợ các DN tái cơ cấu vốn, tích cực đầu tư đổi mới trang thiết bị sản xuất;  Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, xây dựng chiến lược ngành hàng và kế hoạch phát triển bền vững các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao và các sản phẩm mới trong các KCN. Về phía ngành Công thương, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngành để phản ánh kịp thời tình hình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.


 

ÔNG PHẠM VĂN CHÁNH, PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH MTV CAO SU BÀ RỊA:

Tập trung nâng cao năng suất vườn cây, năng suất lao động

Trong điều kiện quỹ đất không còn phát triển cây trồng, để có nguồn hàng ổn định, đáp ứng đầy đủ cho khách hàng, năm 2014, Công ty sẽ tập trung vốn phục vụ cho công tác tái canh, khai thác và chế biến; tạm dừng đầu tư các hạng mục không hoặc chưa phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh… Đồng thời, Công ty tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác quản lý sản xuất, sản phẩm, nâng cao năng suất vườn cây, năng suất lao động…


 

ÔNG G.NARASIMHA. RAO, GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH CÔNG TY MEISHENG TEXTILES VIETNAM CO., LTD:

Tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh

Trong tương lai, thị trường ngành dệt sợi rất tiềm năng, vì thế, chúng tôi có kế hoạch tiếp tục đầu tư từ 40-50 triệu USD để xây dựng thêm 1 nhà máy khoảng 10ha tại KCN Mỹ Xuân A2 (huyện Tân Thành). Hiện tại, 90% sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong… Năm 2013, Meisheng Textiles Vietnam Co., Ltd đạt doanh thu 120 triệu USD, tăng 11% so với năm 2012. Năm 2014, Công ty đề ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 150 triệu USD.