Quản lý thị trường Quản lý thị trường
Vẫn còn nhiều khó khăn trong quản lý kinh doanh rượu

Trong số báo xuất bản hôm nay, trên trang 6, báo Bà Rịa - Vũng Tàu đăng bài “Vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh rượu không đăng ký mua tem” nêu lên những khó khăn, bất cập trong việc quản lý các sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất tiêu thụ trên thị trường tỉnh BR-VT hiện nay.

Theo Thông tư số 160/2013/BTC về “Hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước” thì từ ngày 1-1-2014 tất cả các sản phẩm về rượu lưu thông trên thị trường phải dán tem (trừ một số trường hợp được quy định trong thông tư). Thông tư 160/2013/BTC cũng quy định rõ: Tem rượu nhập khẩu do Tổng cục Hải quan phát hành, tem rượu sản xuất và tiêu thụ trong nước do Tổng cục Thuế phát hành. Tuy nhiên trong thực tế, trên thị trường lưu thông các sản phẩm về rượu của tỉnh BR-VT hiện nay, chỉ ở các cơ sở kinh doanh rượu nhập khẩu thực hiện việc dán tem khá đầy đủ; còn các sản phẩm rượu sản xuất trong nước thì chưa nhiều, thậm chí nhiều loại rượu nấu thủ công lại càng lơi lỏng và thờ ơ hơn. Theo số liệu thống kê đến ngày 13-3-2014, Cục Thuế tỉnh đã bán 42.145 tem từ 20 độ cồn trở lên và 427 tem dưới 20 độ cồn cho số rượu tồn của năm 2013 tiêu thụ trong năm 2014. Hiện Cục Thuế tỉnh đang thống kê nhu cầu mua tem rượu năm 2014 của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu trong nước. Điều đó cho thấy, việc quản lý kinh doanh rượu, nhất là đối với các sản phẩm rượu thủ công còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; trong đó nguyên nhân phải kể đến đầu tiên là việc cấp phép và quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất rượu đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thường có quy mô nhỏ, hoạt động theo nghề truyền thống, sản xuất được tới đâu bán tới đó, nên không thực hiện đăng ký kinh doanh, không xin hoặc không đủ điều kiện (về cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…) để xin giấy phép. Mặt khác, ý thức và trách nhiệm của các chủ lò rượu đối với sức khỏe cộng đồng còn hạn chế; chưa chú trọng tới việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (men rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, không theo quy trình ngâm ủ…). Trên địa bàn tỉnh BR-VT hiện có 8 doanh nghiệp kinh doanh buôn bán rượu (có giấy phép do Sở Công thương cấp và quản lý); 329 cơ sở kinh doanh bán lẻ rượu (có giấy phép do Phòng kinh tế/kinh tế-hạ tầng thuộc thành phố, UBND huyện cấp phép và quản lý); 446 cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh ( trong đó chỉ có 2 cơ sở có giấy phép sản xuất, còn lại 444 cơ sở nấu rượu để kinh doanh không có giấy phép). Với số lượng các cơ sở  kinh doanh bán rượu lẻ vừa nêu cho thấy công tác quản lý kinh doanh rượu sản xuất và tiêu thụ trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Nếu so sánh với các quy định của Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu, số giấy phép kinh doanh rượu phải được cấp dựa trên số dân, thì sự bất cập lại càng nhiều.

Bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng thông qua việc dán tem đối với sản phẩm rượu sản xuất và tiêu thụ trong nước là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Đòi hỏi các ngành chức năng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ; cần xử nghiêm, phạt nặng các trường hợp cố tình vi phạm hoặc vi phạm có hệ thống việc bán rượu chưa dán tem; tịch thu các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác. Đồng thời, tạo điều kiện để xây dựng và quảng bá các thương hiệu rượu thủ công truyền thống của tỉnh BR-VT.

HOÀNG LÊ