Lượng tiêu thụ thép trong tháng 4-2014 đã tăng trở lại. Một số DN thép cho biết, ưu tiên hàng đầu hiện nay là đẩy mạnh tiêu thụ, giảm hàng tồn kho, tăng công suất hoạt động để giải quyết việc làm cho người lao động.
Lượng sản xuất và tiêu thụ thép trong những tháng đầu năm nay đã tăng so với cùng kỳ. Trong ảnh: Sản xuất tôn tại Nhà máy Tôn Hoa Sen, KCN Phú Mỹ 1 (huyện Tân Thành). |
Những năm gần đây, thị trường thép trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh BR-VT nói riêng tiêu thu chậm, nhất là thép xây dựng. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản, xây dựng, ngành công nghiệp sử dụng thép... là những nguyên nhân chủ yếu khiến việc tiêu thụ thép sụt giảm. Tuy nhiên, theo các DN sản xuất thép, lượng thép bán ra trong tháng 4-2014 đã tăng trở lại chứ không ảm đạm như các tháng đầu năm. Ông Tạ Trung Hiếu, Giám đốc Nhà máy thép Miền Nam cho biết, trong 4 tháng qua sản xuất phôi thép và cán thép cũng như sức tiêu thụ thép của nhà máy tăng 2% so với cùng kỳ.
Cũng trong 4 tháng qua, tại tỉnh BR-VT có nhiều DN thép đi vào hoạt động và có sản phẩm như: Nhà máy Sản xuất ống thép Nippon Steel & Sumikin Việt Nam, Nhà máy sản xuất phôi thép của công ty TNHH thép FUCO và Công ty CP China Steel-Sumikin Việt Nam… Mới đây, công ty TNHH Nhà thép PEB cũng khởi công xây dựng nhà máy thép tiền chế. Ngoài ra, một số nhà máy phải ngưng hoạt động vì yếu tố môi trường cũng đã sản xuất trở lại. Theo ông Nguyễn Văn Tuất, Giám đốc điều hành Nhà máy thép Đồng Tiến, đơn hàng hiện khá dồi dào nhưng nhà máy vẫn chưa hoạt động hết công suất. Trong tháng 1, nhà máy sản xuất 3 ngàn tấn, từ tháng 2 và 3 đã tăng lên gấp đôi.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép xây dựng tiêu thụ trong tháng 4-2014 đạt 484.531 tấn, tăng 13,55% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp trong năm 2014 sản lượng thép tiêu thụ đạt cao hơn mức bình quân các năm trước (năm 2013 bình quân 380.000 tấn/tháng và năm 2012 là 370.000 tấn/tháng). Lượng sắt thép xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm cũng đạt 874 ngàn tấn với giá trị xuất khẩu 651 triệu USD, tăng gần 20% về lượng và tăng 8,6% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, các mặt hàng ống thép, tôn mạ kim loại vẫn giữ được sự ổn định trong sản xuất và tiêu thụ.
Do thiếu nguyên liệu nên Nhà máy Thép Đồng Tiến mới hoạt động 30% công suất. Trong ảnh: Thép thành phẩm của Nhà máy Thép Đồng Tiến.
Mặc dù đầu ra của ngành thép đã có dấu hiệu phục hồi nhưng nhiều nhà máy vẫn chưa hoạt động hết 100% công suất. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào như giá nguyên liệu, giá điện, xăng dầu, vận chuyển đều tăng. Theo ông Nguyễn Văn Tuất, 90% nguyên liệu sản xuất thép của công ty là phải nhập khẩu. Chi phí điện chiếm 30-40% giá thành sản phẩm. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cũng tăng cao. Giấy phép nhập nguyên liệu của DN này chỉ có giá trị trong 6 tháng nhưng để thực hiện các thủ tục nhập khẩu để hàng về đến công ty đã mất 2 tháng. Đây là những “rào cản” khiến cho lợi nhuận giảm, công ty không đủ nguyên liệu để sản xuất nên nhà máy chỉ hoạt động khoảng 30% công suất.
Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nguyên vật liệu hiện chiếm đến 60% chi phí sản xuất, nên nếu thu mua từ các DN trong nước với giá rẻ sẽ giúp DN giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam là 32%, trong đó chỉ có 13% là được cung ứng bởi các DN trong nước nên không thể cắt giảm chi phí. Do đó nhà nước cần có các chính sách ưu đãi về thuế, cho vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ nguồn nhân lực…
Còn theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, các DN ngành thép cần đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các biện pháp phát triển mạnh mẽ thị trường bất động sản, xây dựng, cơ khí chế tạo… đồng thời, có các giải pháp hàng rào kỹ thuật hợp pháp, hợp lý để bảo vệ sản xuất trong nước, tạo ra sự lành mạnh cho thị trường thép để nhà đầu tư tiếp tục mở rộng, duy trì ổn định sản xuất trong thời gian tới.
Theo báo BR-VT