Đến thời điểm này quan hệ thương mại hai chiều giữa các DN trên địa bàn tỉnh với Trung Quốc (TQ) chưa có dấu hiệu bất ổn. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp trên biển Đông thời gian qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo ngành Công thương cũng như các DN tìm các giải pháp để đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào TQ, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.
Để tránh phụ thuộc vào thị trường TQ, ngành may mặc và giày da phải có chiến lược sản xuất-kinh doanh mới, vì hiện nay phần lớn nguyên liệu của 2 ngành này đều phải nhập khẩu từ TQ. Trong ảnh: Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Meisheng Việt Nam CCN Ngãi Giao (huyện Châu Đức). |
Nhập khẩu nguyên liệu từ TQ
Báo cáo tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh mới đây, bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thương mại hai chiều giữa tỉnh BR-VT với TQ ước đạt 110,67 triệu USD, tăng 4,82% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 4,68% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu) của tỉnh BR-VT. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang TQ ước đạt 51,56 triệu USD, chiếm 4,88% trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là mặt hàng dệt may (43,26%) với 22,3 triệu USD. Xếp thứ hai là mặt hàng hạt điều với 24,86%, tương đương 12,82 triệu USD. Các mặt hàng như nhựa (9,51%) với 4,9 triệu USD; hải sản 9,07%; dầu thực vật 9,06%... So với cùng kỳ năm 2013, có 5 mặt hàng xuất khẩu sang TQ tăng, trong đó có 3 mặt hàng tăng cao: Giày da tăng gấp 4 lần, dầu thực vật tăng gấp 3 lần, dệt may tăng gấp 2 lần. Bên cạnh đó, cũng có 3 mặt hàng giảm mạnh: cơ khí giảm gần 64%, cacbon hoạt tính giảm 72,37%, hạt điều giảm nhẹ 9,6%.
Trên danh mục quan hệ thương mại hiện nay, TQ đang giữ vị trí đầu trong việc cung cấp nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cho Việt Nam. Tại BR-VT, theo đánh giá của Sở Công thương, tuy kim ngạch nhập khẩu từ TQ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, nhưng số lượng DN nhập khẩu nguyên liệu từ TQ lại chiếm gần 50% số DN nhập khẩu (36/73 DN). Trong số này có 8/11 DN nhập khẩu nguyên phụ liệu may mặc, 5/14 DN nhập khẩu thép, 6/14 DN nhập khẩu máy móc thiết bị… “Việc nhập khẩu từ TQ xuất phát từ nguyên nhân do nguyên phụ liệu nước này có giá rẻ, thị trường gần. Trong khi đó, các DN của tỉnh không có đủ nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo ra sản phẩm đạt chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Á” - bà Bùi Thị Dung cho hay.
Các DN đang từng bước đa dạng hóa thị trường nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong ảnh: Chế biến hạt điều tại Công ty TNHH Thảo Nguyên (huyện Tân Thành). |
Tìm hướng mở rộng thị trường
Nhận thức được sự rủi ro khi quá phụ thuộc vào thị trường TQ, thời gian qua, nhiều DN đã chủ động, từng bước tìm kiếm thị trường mới. Nhiều DN cho biết họ đang tìm cách giảm bớt phụ thuộc TQ về đầu ra lẫn nhập khẩu nguyên, phụ liệu, để tránh bị ảnh hưởng dài hơi. Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, có chi nhánh là Công ty May Tân Mỹ đóng tại CCN Hắc Dịch (huyện Tân Thành) cho biết, trước đây, nguyên liệu TQ chiếm 70% trong tổng nguồn nguyên liệu sản xuất của công ty. Để giảm mạnh nguồn hàng này, từ năm 2011, đơn vị này đã chuyển sang làm FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm). Hiện công ty đang rà soát nhằm thay thế bằng nguyên liệu Việt Nam và các nước khác. Cụ thể, một số vải đặc thù và có giá trị cao có thể thay bằng nguyên liệu Đài Loan, Hàn Quốc, còn những nguyên liệu khác thì dùng hàng Việt Nam.
Ông Nguyễn Tấn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên (huyện Tân Thành) cho biết, sản phẩm của DN xuất sang thị trường TQ chiếm khoảng 30-40%, chủ yếu là mặt hàng dầu điều. Tuy nhiên, trước tình hình bất ổn tại biển Đông thời gian qua, phía TQ cũng dè dặt khi ký kết các đơn hàng dài hạn. Chính vì vậy, công ty đã bắt đầu khai thác thị trường Hàn Quốc và một số nước khác để phòng tránh các rủi ro. “Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp cận các thị trường khó tính khác” - ông Nguyễn Tấn Thành cho hay.
6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch nhập khẩu từ TQ ước đạt 59,25 triệu USD, chiếm 4,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là nguyên vật liệu da giày (31,42%), tiếp đến là may mặc (27,38%), phân bón (11,72%), thép (5,04%). Các nguyên phụ liệu hải sản, bao bì, gạch men, hóa chất và hàng tiêu dùng chiếm tỷ trọng không đáng kể. (Sở Công thương) |
Theo ý kiến của các cơ quan chức năng, để tự chủ trong sản xuất-kinh doanh, giảm lệ thuộc vào thị trường TQ, trước hết cần sự liên kết chủ động của các DN trong nước. Các DN từng ngành cần phải minh bạch, sòng phẳng trong triển khai, bảo đảm công bằng cho các đối tác, có mục tiêu lâu dài, tầm nhìn xa trong cách tổ chức từ khâu sản xuất, phân phối và khách hàng. Đồng thời, đề xuất nhà nước tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên liệu như vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nguyên phụ liệu thuốc trừ sâu, sắt thép cũng như xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng rau quả, cao su, gạo…
Ngoài ra, vấn đề đẩy mạnh sản xuất trong nước với các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ cũng được các cơ quan chức năng hoạch định chính sách đề cập tới. Ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được tỉnh BR-VT đưa vào một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. Bà Bùi Thị Dung cho rằng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là chìa khóa quan trọng để giảm nhập siêu nguyên liệu từ TQ. Đồng thời, tỉnh phải có giải pháp phát triển dịch vụ logistics và hoạt động của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải nhằm giúp DN hạ giá thành sản phẩm, tạo cơ hội cho DN mạnh dạn tìm kiếm thị trường mới với chi phí vận chuyển rẻ. Mặt khác, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng CCN để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, tạo ưu đãi về mặt bằng, vốn vay, hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ, đáp ứng được các yêu cầu quy định của các thị trường xuất khẩu.
Bài, ảnh: LAM GIANG
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm giúp DN ổn định sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là tỉnh cần tích cực triển khai chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặc biệt là tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân đối với các sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, phải tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cho các DN một cách bền vững, xây dựng và tổ chức các chương trình kết nối cung – cầu giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối của các DN TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác. Đồng thời, hỗ trợ các DN trong việc khảo sát, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại ở các nước khác nhằm thay thế thị trường TQ. (Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương) |