Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2015 trên địa bàn tỉnh tăng 0,1 % so với tháng trước (cả nước tăng 0,14%) và tăng 0,81 % so với cùng kỳ (cả nước tăng 0,99%). Tính từ đầu năm, CPI của tỉnh đã tăng 0,12 %.
Tháng 4 ghi nhận sự tăng giá của 06 nhóm hàng, 01 nhóm hàng giảm giá và 04 nhóm hàng đứng giá.
Nhóm giao thông là nhóm hàng có CPI tăng cao nhất trong tháng với mức tăng 2,73%, mặc dù ngày 26/3 giá xăng dầu có điều chỉnh giảm nhưng chỉ giảm nhẹ giá dầu hỏa và dầu mazut (dầu hỏa giảm 250 đ/lít; các loại dầu Mazut giảm 110 đ/lít) còn các loại xăng và dầu Diezel vẫn đứng giá; ngoài ra trong thời gian vừa qua giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng mạnh từ ngày 11/3 nên đã kéo CPI của nhóm giao thông tháng này tăng cao. Tiếp đến là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,5 %; nguyên nhân chủ yếu do giá điện đã được điều chỉnh tăng thêm 7,5% vào ngày 16/3 và giá một số mặt hàng VLXD cũng tăng nhẹ do đang bước vào mùa xây dựng. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng nhẹ ở mức 0,02% chủ yếu do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu mua sắm mũ nón, quần áo tăng hơn ngày thường. Các nhóm bưu chính viễn thông, nhóm văn hóa giải trí và du lịch, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng nhẹ từ 0,02% đến 0,21%.
Trong tháng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là nhóm duy nhất có chỉ số CPI giảm trong toàn bộ “rổ” hàng hóa, với mức giảm 0,65% (trong đó lương thực giảm 0,14 %, thực phẩm giảm 0,97 % và ăn uống ngoài gia đình giá không đổi). Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung dồi dào, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu của người dân không tăng đã làm cho giá lương thực, thực phẩm có xu hướng giảm mạnh.
Các nhóm hàng đứng giá gồm nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục.
Không nằm trong các mặt hàng tính chỉ số giá, trong tháng này chỉ số giá vàng và đô la Mỹ diễn biến trái chiều, trong khi chỉ số giá vàng giảm ở mức 0,22 % thì chỉ số giá đô la Mỹ tăng ở mức 0,88%.
Anh Thy – P.KHTC