LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Báo cáo thống kê Báo cáo thống kê
Thị trường tết nguyên đán bính thân 2016: lượng hàng hóa dồi dào nhưng sức mua giảm

Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tương đối ổn định, giá cả biến động nhẹ, chủ yếu tăng mạnh ở mặt hàng rau, củ, quả; lượng hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa.

Lượng hàng dự trữ tại các Chợ truyền thống, cũng như các Siêu thị năm nay tăng khoảng 15 % so với năm trước

Tổng trị giá hàng hóa dự trữ phục vụ Tết năm nay tại các Siêu thị khoảng 310 tỷ đồng (Hệ thống 03 siêu thị Co.op Mart khoảng 220 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty TNHH Metro Cash & Carry Vũng Tàu 40 tỷ đồng và Siêu thị Lotte Vũng Tàu 50 tỷ đồng). Cơ cấu hàng hóa tại các Chợ, Siêu thị trên địa bàn Tỉnh có đến hơn 90% là hàng Việt (trong đó hàng tươi sống trái cây, rau, củ chiếm tỷ trọng tuyệt đối là hàng Việt Nam; còn trái cây, củ Trung Quốc ít trưng bày do không bán được hàng). Riêng hệ thống các Siêu thị không bán hàng trái cây nhập khẩu của Trung Quốc, chỉ một số ít mặt hàng là hàng nhập khẩu từ các nước Hàn Quốc, Thái Lan, nhưng số lượng không đáng kể. Ngoài ra, trên địa bàn Tỉnh có hơn 39.000 hộ, trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm với tổng đàn 3,8 triệu con, ước tính cung ứng ra thị trường khoảng 7,6 ngàn tấn thịt.

Sức mua chỉ tăng bình quân khoảng 10-20% so với ngày thường

Nhìn chung toàn Tỉnh sức mua trong dịp Tết Nguyên đán năm nay kém phần sôi động so với những năm trước. Ước sức tiêu thụ đạt khoảng 80% so với lượng hàng dự trữ. Lượng mua tập trung chủ yếu tại các siêu thị, các cửa hàng chuyên dụng do hàng hóa đa dạng cũng như sự tiện ích của loại hình mua sắm này. Các Chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ sức mua giảm hơn mọi năm, chỉ tập trung vào những ngày cận Tết (27, 28, 29 tháng chạp). Theo thống kê từ Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu 1 và 2, lượng khách hàng tới mua hàng tăng 50% so với ngày thường; sức mua tại Siêu thị Co.op Mart Bà Rịa chỉ tăng 5-8%; Siêu thị Metro sức mua tăng khoảng 20-30%, trong khi giá cả các mặt hàng đều ổn định. Tại Chợ Bà Rịa, sức mua tăng khoảng 10% đối với các mặt hàng như: Rượu, bia các loại, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, gạo tẻ cao cấp, gạo nếp sáp, nếp Bắc, mực khô, lạp xưởng, giò - chả - xúc xích.

 Mặc dù lượng cung hàng hóa lớn, giá cả ổn định, tuy nhiên sức mua năm nay trên địa bàn Tỉnh lại giảm khoảng 5-10% (trong đó thành phố Vũng Tàu giảm khoảng 30-40%) so với cùng kỳ. Đây là hệ quả tác động từ việc thu nhập của người dân tại thành phố Vũng Tàu giảm mạnh do ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm, các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động dầu khí đều thực hiện chính sách tiết kiệm, cắt giảm lương, thưởng. Thu nhập của người dân tại các huyện, thành phố còn lại cũng không ổn định do giá cao su giảm, nông sản tiêu thụ chậm. Một phần tác động nữa là do tâm lý tiêu dùng của người dân có sự thay đổi và tiết kiệm chi tiêu, chỉ tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Trước đây, việc mua sắm phục vụ Tết bắt đầu từ 15 tháng Chạp, nhưng trong những năm gần đây phải đến 23 tháng Chạp trở đi thị trường mới bắt đầu nhộn nhịp do nhiều người không còn tâm lý mua tích trữ mà chỉ mua đủ dùng trong vài ngày Tết. Ngoài ra, do tâm lý e ngại thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên trong dịp Tết năm nay, xu hướng người dân ở thành phố là trực tiếp về các xã nông thôn (Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ,...) để tìm nguồn hàng sạch đón Tết như rau, củ quả, heo, gà… khá phổ biến.

Kênh tiêu thụ có xu hướng tập trung ở các hệ thống phân phối hiện đại

Kênh tiêu thụ hàng hóa năm nay, ngoài Chợ truyền thống thì phần lớn người tiêu dùng lựa chọn kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tự chọn để mua sắm vì hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa rõ ràng, giá cả hợp lý còn có nhiều chương trình khuyến mại vào dịp Tết nên thu hút khá lớn lượng khách mua sắm. Ngoài ra, trước Tết Sở Công Thương cũng đã vận động và tổ chức 01 đợt đưa hàng Việt về Côn Đảo trong 05 ngày (từ ngày 14-18/01/2016) và tổ chức chương trình hàng Việt về nông thôn tháng 01 và 02/2016 từ ngày 20/01 – 03/02/2016 để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân huyện Côn Đảo và người dân vùng nông thôn, với sự tham gia của 39 DN trong và ngoài Tỉnh (trong đó có 19 trong Tỉnh), tổng doanh thu đạt hơn 3.175 triệu đồng và thu hút khoảng 22.000 lượt khách tham quan và mua sắm.

Giá cả một số mặt hàng tươi sống và rau củ quả tăng từ 6% - 33%

Trước ngày 23 tháng chạp; các mặt hàng thiếu yếu tăng khoảng 5-10% so với ngày thường. Từ 23 tháng chạp trở đi, tại các chợ thị trường hàng hóa rất sôi động, mặt hàng thịt gia súc, gia cầm tăng giá như giá thịt heo đùi 92.000 đ/kg, tăng 2.200 đ/kg; thịt heo nạc thăn từ 105.000 - 130.000 đ/kg; thịt bò đùi loại 1 có giá 275.000 đ/kg tăng 15.000 đ/kg; thịt bò thăn tăng 20.000 đ/kg lên 300.000 đ/kg; trứng vịt từ 30.000 - 35.000 đ/chục; trứng gà từ 20.000 - 26.500 đ/chục; gà công nghiệp làm sẵn 50.000 đ/kg; gà ta còn sống có giá khoảng 130.000 đồng/kg tăng 10.000 đ/kg...Giá hải sản các loại tăng từ 16 – 25% như: cá chép 70.000 – 80.000 đ/kg; cá thu nguyên con 190.000 đ/kg; cá thu khứa 260.000 đ/kg; Mực ống (loại cỡ TB) tăng 30.000 đ/kg lên 180.000 đ/kg; Mực nang (loại cỡ TB) 150.000 đ/kg; Tôm sú (loại cỡ TB) 250.000 đ/kg; Tôm sú loại 1 có giá 460.000 đ/kg, tăng 60.000 đ/kg; Tôm thẻ (loại cỡ TB) 400.000 đ/kg; Tôm tích loại 1 có giá 1,4 triệu đồng/kg; Ghẹ 320.000 đ/kg; Cua thịt 350.000 đ/kg. Thị trường hải sản khô có mức giá tăng khá cao từ 9 – 18%, cụ thể như: Mực khô có giá từ 550.000-700.000 đ/kg tùy theo loại (Mực khô loại 1: 700.000 đ/kg; loại 2: 600.000 đ/kg; loại 3: 550.000 đ/kg); tôm khô các loại từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg; cá chỉ vàng tẩm gia vị có giá 200.000 đ/kg; Măng khô các loại khoảng 320.000 - 350.000 đ/kg; Nấm mèo 70.000 - 150.000 đ/kg; Nấm hương 300.000 - 400.000 đ/kg…

Giá cả một số mặt hàng rau củ, quả tăng từ 10% đến 15% do tập trung một lượng lớn hàng chuyển ra các vùng phía Bắc (vì phía Bắc trời rét, nguồn cung giảm nên các loại rau củ không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng), như: cải ngọt 10.000 đ/kg tăng 2.000 đ/kg; cải xanh tăng 3.000 đ/kg lên 12.000 đ/kg; cà chua bi Picota Hà Lan 50.000 đ/kg; cà chua Việt Nam 25.000 đ/kg, tăng 5.000 đ/kg; dưa leo 14.000 đ/kg tăng 5.000 đ/kg; cà rốt tăng 5.000 đ/kg lên 20.000 đ/kg... Nhóm mặt hàng trái cây có mức tăng từ 3-19%, như bưởi Diễn có giá bán 75.000 đ/trái; bưởi da xanh Sông Xoài loại 1: 50.000 đ/kg; Bưởi loại 2 bán với giá 35.000- 40.000 đ/kg; Cam sành loại ngon tăng 8.000 đ/kg lên 50.000 đ/kg; quýt vàng Việt Nam 50.000 đ/kg; Dưa hấu 10.000 - 15.000 đ/kg; Nho tươi Việt Nam 80.000 đ/kg...Tại các siêu thị đa số giữ nguyên giá, còn lại là giảm giá khuyến mãi từ 10% - 50% đối với thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ quả.

Mặt hàng không thể thiếu trong các ngày lễ Tết, đó là bia và nước giải khát có mức tăng từ 0 – 3% như: bia Heniken tăng 10.000 đồng/thùng lên 370.000 - 380.000 đồng/thùng, bia Tiger tăng 5.000 đồng/thùng lên 305.000 - 315.000 đồng/thùng, bia 333 tăng 2.400 đồng/thùng lên 230.000 - 240.000 đồng/thùng....Thị trường hoa, cây cảnh từ ngày 24 Tết đến 28 tháng Chạp có sôi động hơn, nhưng giá cả ít biến động do người dân trông chờ hạ giá bán xổ theo tình hình cung cầu, chiều và tối 28 tháng chạp đa số đều giảm giá bán cho tất cả các loại hoa, kiểng và mai từ 20% -50%. Đến trưa ngày 29 tháng Chạp một số loại hoa từ Đà Lạt có giá tăng mạnh (khoảng 25%) như hoa ly, lay ơn, hoa lan… do ít hàng; các loại hoa trồng chậu như cúc, đồng tiền, mào gà, quất… có giá giảm mạnh (25-50%), do đến thời điểm đó lượng người mua ít, các tiểu thương muốn bán lấy giá vốn hoặc chấp nhận lỗ vì các loại hoa trên không để được lâu.

Vào ngày mùng 7 Tết, một số loại rau củ quả, thịt heo, thịt bò tăng giá

Giá cả một số mặt hàng trong Tết tăng mạnh nhất là rau củ quả, thịt heo, thịt bò đến ngày mùng 7 Tết, giá vẫn không giảm mà có xu hướng còn cao hơn so với thời điểm trước Tết, cụ thể như: thịt heo, thịt bò có giá tăng nhẹ từ 10.000 – 15.000 đồng/kg tại lò mổ. Do một số chợ các sạp vẫn chưa bán trở lại, giá nhập vào vẫn chưa hạ nhiều. Việc người bán ít nên dẫn đến giá cao hơn thời điểm cận Tết từ 10% đến 20%, tuy nhiên mức giá này là giá chấp nhận được do nguồn cung hàng hóa thường giảm sau Tết. Đặc biệt mặt hàng rau củ, quả giá còn rất cao, theo thông tin của một số sạp bán lớn, lâu năm cho biết các loại như bí xanh, cà rốt, khoai tây, súp lơ, cải thảo giá tăng rất mạnh từ 30 đến 40% do các mặt hàng này khan hiếm sau Tết…Nhóm mặt hàng trái cây có mức tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg. Tuy nhiên giá các loại rau, củ quả đã có xu hướng giảm dần do lượng cung đã bắt đầu tăng trở lại.

Giá phòng trong dịp Tết tăng mạnh

Do dịp Tết năm nay được nghỉ nhiều ngày nên có nhiều du khách đến địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vui chơi, nghỉ dưỡng. Từ 28 Tết đến mùng 1 Tết các khách sạn nhà nghỉ chỉ đạt công suất từ 30-50%. Sáng mùng 2 Tết nhiều khách sạn, khu du lịch ven biển đạt tiêu chuẩn 3-5 sao từ TP.Vũng Tàu đến các địa phương như Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ hầu hết đã kín chỗ, công suất phòng đạt từ 90-100%; các khách sạn từ 2 sao trở xuống công suất phòng đạt 60-80%. Lượng khách đông nhất bắt đầu từ ngày Mùng 4 Tết trở đi, công suất phòng tiếp tục đạt từ 90 đến 100%, có nơi còn “cháy phòng”; giá phòng tại các khách sạn, nhà nghỉ tăng từ 30 – 70%; giá dịch vụ giữ xe honda, xe đạp tăng từ 1.000 đ – 2.000 đ; dịch vụ phao dù, ghế bố tăng từ 33 – 50%; vé tắm hồ bơi (người lớn và trẻ em) tăng từ 25 – 50 %; việc tăng giá trên đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định. Giá cước vận tải hành khách, đều tăng giá trong những ngày Tết do áp dụng phụ thu khoảng 60% giá vé tùy theo loại xe và tuyến đường để bù đắp chi phí xe chạy chiều rỗng, lệch chiều không khách trong dịp Tết. Riêng tuyến Vũng Tàu - Bà Rịa đi Thành phố Hồ Chí Minh phụ thu 40% từ ngày 04 - 13/02/2016 (tức từ ngày 26 tháng chạp đến hết ngày Mùng 06 Tết), thống nhất như đầu Bến xe Miền Đông (TP.HCM).

Công tác hỗ trợ, chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người nghèo

Thực hiện chỉ đạo của UBND Tỉnh, Sở Công Thương đã vận động các doanh nghiệp tham gia, với trị giá mỗi suất quà 400.000 đồng để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, các nạn nhân chất độc màu da cam, người mù, người khuyết tật, cụ tù chính trị, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa cùng được đón Tết dân tộc vui vẻ, đầm ấm. Tổng cộng trong dịp Tết năm nay, với sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, Sở Công Thương đã tiếp nhận 892 suất quà, với tổng giá trị 356,8 triệu đồng. Ngoài ra, đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp tặng 60 suất quà (tương đương 41 triệu đồng) cho bà con nghèo, gia đình chính sách tại các địa phương tổ chức chương trình hàng Việt ra Côn Đảo và hàng Việt về nông thôn tháng 01 và 02/2016 từ ngày 14/01 – 03/02/2016 (các đợt bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016).

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, PCCN, Vệ sinh an toàn thực phẩm và cung cấp điện, nước

Lực lượng Quản lý thị trường đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, dịch vụ; giá cước vận tải, chống sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm...tập trung vào các loại mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết (lương thực, thực phẩm, thuốc lá, rượu, bia, gia cầm...); mặt hàng chất nổ, pháo, vũ khí, hàng hóa vi phạm môi trường; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ vận tải, nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi, giải trí...; các hoạt động bán hàng đa cấp, quảng cáo, khuyến mại, giao dịch điện tử, các hoạt động hội chợ, triển lãm...; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ ngày 21/12/2015 đến ngày 05/02/2016 (tức 27 Tết) đã tổ chức kiểm tra 186 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện 45 trường hợp vi phạm, đã xử phạt và thu nộp ngân sách với số tiền 508,525 triệu đồng. Từ ngày 06/02/2016 (tức 28 Tết) đến ngày 14/02/2016 (tức ngày Mùng 07 Tết) đã tăng cường công tác trinh sát, quản lý địa bàn và giám sát 163 cơ sở kinh doanh; tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra dịch vụ, lưu trú du lịch do Phòng Thông Tin Văn Hóa các huyện, thành phố chủ trì. Qua giám sát, kiểm tra, không phát hiện vi phạm.

Sở Công Thương đã phối hợp Đoàn kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tiến hành kiểm tra 48 cơ sở SXKD trên địa bàn Tỉnh từ ngày 28/12/2015 đến ngày 30/01/2016. Qua kiểm tra, Đoàn đã lập 48 biên bản, trong biên bản đã nêu các thiếu sót, vi phạm về an toàn PCCC, các giải pháp khắc phục và yêu cầu cơ sở thực hiện theo đúng quy định. Ngoài ra, Sở cũng đã phối hợp với Đoàn kiểm tra Liên ngành an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra, giám sát từ ngày 25 – 29/01/2016, đối với 08 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Long Điền và Tân Thành; qua kiểm tra, các cơ sở cơ bản đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tình hình cung cấp điện, nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân và các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân trên địa bàn tỉnh trong các ngày Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 được đảm bảo ổn định và an toàn, không xảy ra cháy nổ, tai nạn điện. Tuy nhiên có 01 trường hợp sự cố mất điện cục bộ tại khu vực xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu do chim bồ câu đậu vào đường dây làm phóng sứ đứng tại trụ 81GD/349 và 01 trường hợp cắt điện xử lý kỹ thuật để ngăn ngừa sự cố lưới điện, gián đoạn cấp điện khoảng 45 phút tại khu vực xã Hòa Long, xã Long Phước, thành phố Bà Rịa.

Lê Anh Thy – P.KH-TC-TH