MỘT KẾT QUẢ KHẢO SÁT CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM
Vào ngày 12/8/2010, Công đoàn ngành Công Thương tỉnh BR-VT đã tổ chức cuộc thi Tìm hiểu chương trình phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh BR-VT năm 2010. Thực chất đây là một hội nghị tập huấn, mà đối tượng là đoàn viên, cán bộ công đoàn đang làm nhiệm vụ tuyên truyền viên tại cơ sở.
Trong 78 cán bộ về dự tập huấn, có 60 cán bộ đã tham gia trả lời khảo sát về hoạt động của công đoàn cơ sở (CĐCS) đối với việc thực hiện chương trình phòng chống tội phạm tại đơn vị mình. Vấn đề đặt ra là, “nếu được cấp kinh phí, CĐCS sẽ tổ chức hoạt động gì để tuyên truyền chương trình phòng chống tội phạm”. Kết quả có 52 phiếu chọn phương án tin tài liệu tờ rơi tờ gấp, mở các lớp tập huấn tuyên truyền về chương trình này, 8 phiếu chọn các phương án khác như sử dụng kinh phí tổ chức cho đoàn viên tham quan dã ngoại, tổ chức hội thao, trợ cấp cho gia đình đoàn viên khó khăn, lập quỹ khuyến học…
Anh Phạm Văn Thuận, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty CP Tân Phước Thịnh, người duy nhất chọn phương án “trợ cấp cho gia đình đoàn viên khó khăn” cho biết: “Công ty chúng tôi rất quan tâm đến hoạt động xã hội từ thiện, xem đó là một trong những tiêu chí hoạt động của công ty. CĐCS chúng tôi cũng có quy ước mọi tiền thưởng từ đạt giải tại các cuộc thi trong và ngoài công ty sẽ được dùng cho hoạt động xã hội từ thiện. Tôi nghĩ nếu trợ cấp cho gia đình đoàn viên nói riêng và gia đình người dân nói chung sẽ giúp giảm bớt khó khăn, phần nào tránh được dẫn đến phạm tội”
Anh Phạm Bá Lâm, đoàn viên CĐCS Cơ quan Sở Công Thương, là một trong 5 người chọn phương án lập quỹ khuyến học. Theo anh, nếu hỗ trợ học bổng cho con cán bộ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, giúp các cháu vượt khó học tập cũng là một cách để các cháu trở thành người có ích cho xã hội.
Riêng anh Nguyễn Quang Giang, đoàn viên CĐCS Công ty CP Thương mại tổng hợp chọn phương án sử dụng kinh phí được cấp để tổ chức Hội thao trong CNVCLĐ. Anh Giang cho biết, “bản thân tôi rất thích chơi thể thao. Nếu hàng năm, công đoàn đều tổ chức Hội thao để người lao động có dịp rèn luyện thi thố tài năng, chẳng những giúp cho sức khỏe, mà còn tạo cuộc sống vui chơi lành mạnh sau giờ làm việc”
Mặc dù đây chỉ là khảo sát ngắn, chưa hoàn chỉnh nhưng các ý kiến nói trên đã cho thấy, việc thường xuyên mở các lớp tuyên truyền về chương trình phòng chống tội phạm là cần thiết, nó giúp người lao động nâng cao kiến thức pháp luật, đồng thời liên hệ xử lý các tình huống vẫn thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày một cách có lý có tình. Bên cạnh các lớp tuyên truyền, vẫn rất cần các hoạt động xã hội từ thiện trong cộng đồng, giúp nhau vượt khó vươn lên, rất cần các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh để phong phú thêm đời sống tinh thần cho người lao động.
CĐ ngành (tổng hợp)