LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Xuất khẩu gừng khô sang thị trường Châu Âu

Châu Âu là thị trường có nhiều tiềm năng cho các nhà xuất khẩu gừng khô. Nhu cầu được dự đoán tăng lên trong những năm tới và giá cả cũng đang tăng lên. Trung Quốc hiện là nước cung cấp chính cho cả gừng chưa xay/ nghiền hoặc đã xay/ nghiền sang Châu Âu. Đây cũng chính là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của các nhà xuất khẩu Việt Nam trên thị trường này. 

Gừng thường được trồng ở các vùng nhiệt đới. Các nước sản xuất chính bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria và Peru. Gừng chủ yếu được sử dụng trong công thức nấu nướng của Phương Đông và Ấn Độ, làm bánh và đồ ngọt, làm rượu… 

Châu Âu – Thị trường tiềm năng cho gừng khô

Tiêu dùng của thế giới đối với gừng đang tăng lên. Thị trường gừng toàn cầu nói chung và Châu Âu nói riêng được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể ít nhất đến năm 2020. Tại thị trường Châu Âu, năm 2016 tổng khối lượng gừng khô nhập khẩu đã đạt 154 nghìn tấn. Từ năm 2012, giá trị nhập khẩu gừng tăng khoảng 16% mỗi năm, khối lượng nhập khẩu tăng khoảng 12% mỗi năm. 

Do nguồn cung gừng toàn cầu giảm từ đầu năm 2015, nhu cầu về gừng đã vượt xa nguồn cung gừng toàn cầu. Do một số công ty mua số lượng lớn gừng đã dẫn đến tình trạng khan gừng trên thị trường Trung Quốc và làm tăng giá bán. Năm 2015, 73% tổng lượng gừng nhập khẩu của EU được nhập khẩu trực tiếp từ các nước đang phát triển. Biểu đồ 1 dưới đây không tính các nước không thuộc EU hoặc các nước ngoài các nước đang phát triển. Năm 2015, các nước này chỉ chiếm khoảng 0,7% tổng lượng gừng nhập khẩu của Châu Âu. Do gừng không được sản xuất tại Châu Âu, nguồn cung gừng Châu Âu được thể hiện trong Biểu đồ dưới đây dựa trên số lượng tái xuất khẩu. Lượng gừng tái xuất khẩu của Châu Âu chiếm tới 27% tổng lượng gừng nhập khẩu năm 2015. 

Thị trường gừng Châu Âu đang tăng trưởng, đem lại cơ hội cho các nhà xuất khẩu gừng của Việt Nam. Người mua sẵn sàng đầu tư vào các mối quan hệ dài hạn hoặc các mối quan hệ hợp tác với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung gừng hiệu quả. 

Biểu đồ 1: Nhập khẩu gừng của Châu Âu năm 2011 - 2015

Đvt: nghìn tấn

 

Nguồn: CBI, 6/2017

 

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gừng của Việt Nam cũng cần cân nhắc thiết lập mối quan hệ thương mại lâu dài với khách mua hàng. Doanh nghiệp cần thể hiện rằng mình có thể đảm bảo nguồn cung gừng ổn định, đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu về chất lượng sản phẩm. 

Hà Lan, Anh và Đức là những thị trường tiềm năng nhất cho mặt hàng gừng khô. Biểu đồ 2 và 3 dưới đây sẽ thể hiện các nước nhập khẩu gừng khô hàng đầu Châu Âu và tình hình tiêu dùng của các nước này (bằng cách tính lượng nhập khẩu trừ đi lượng xuất khẩu). Bạn cần lưu ý rằng số liệu trong các bảng biểu này chỉ là một chỉ số cho thấy thị trường gừng Châu Âu và có thể bao gồm cả tiêu dùng công nghiệp và tiêu dùng cá nhân. Con số tiêu dùng thực tế có thể khác biệt, do những vấn đề như hàng lưu kho dài hạn và thương mại không chính thức. Thêm vào đó, tiêu dùng có thể bao gồm cả việc sử dụng gừng trong ngành công nghiệp chế biến. Lượng tiêu dùng này có thể rất lớn, vì một phần lớn gừng được sử dụng trong ngành này (ví dụ như các sản phẩm bánh như bánh gừng và bánh quy, các sản phẩm thực phẩm Châu Á và nhiều loại đồ uống khác nhau như rượu gừng và bia gừng). Các bảng biểu dưới đây cho thấy những thị trường tiềm năng nhất tại Châu Âu cho gừng gồm có Hà Lan, Anh và Đức. 

Biểu đồ 2: Các nước nhập khẩu gừng hàng đầu tại Châu Âu năm 2011 - 2015

Đvt: nghìn tấn

 

Nguồn: CBI, 6/2017

 

Biểu đồ 3: Tiêu dùng gừng theo đầu người tại các nước nhập khẩu hàng đầu năm 2011 - 2015

Đvt: gr/người

 

Nguồn: CBI, 6/2017 

Doanh nghiệp xuất khẩu gừng Việt Nam có thể cân nhắc các thị trường tiềm năng sau tại EU:

- Hà Lan là nước nhập khẩu và thương mại lớn nhất mặt hàng gừng tại Châu Âu. Nhập khẩu của nước này tăng cao khoảng 16% mỗi năm về khối lượng từ năm 2011 đến năm 2015. Năm 2015, 97% lượng gừng nhập khẩu của Hà Lan đến từ các nước đang phát triển. Nước này có mức tiêu thụ gừng theo đầu người cao nhưng tương đối không ổn định. Sự không ổn định này có nguyên nhân từ việc quốc gia này đóng vai trò quan trọng là đầu mối thương mại nội khối Châu Âu, vì ở đây tiêu dùng được tính bằng cách lấy nhập khẩu trừ đi xuất khẩu. Mặc dù tiêu dùng không ổn định nhưng tái xuất khẩu gừng cũng thay đổi lớn trong những năm qua và có thể ảnh hưởng tới tình hình tiêu thụ gừng. 

- Anh nhập khẩu tới 94% lượng gừng từ các nước đang phát triển, đây cũng có thể là một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gừng Việt Nam. Nước này cũng là nước nhập khẩu gừng lớn thứ hai ở Châu Âu, có thể có nguyên nhân do lượng dân Châu Á sinh sống tại nước này lớn. Tiêu dùng theo đầu người của nước này cao hơn nhiều so với mức trung bình của Châu Âu. Con số này ổn định trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, và có tăng nhẹ từ năm 2014 đến năm 2015. 

- Đức là nước nhập khẩu gừng lớn thứ ba. Tổng lượng nhập khẩu của nước này tăng trung bình 6,3% kể từ năm 2011. Tiêu thụ theo đầu người của Đức cao hơn một chút so với mức trung bình của Châu Âu. 

- Pháp là nước nhập khẩu gừng lớn và khối lượng nhập khẩu tương đối ổn định trong những năm qua. Tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng 9% về khối lượng kể từ năm 2011. Năm 2015, khối lượng nhập khẩu gừng của nước này đã đạt 5 nghìn tấn. 

- Italia là một đầu mối thương mại quan trọng về gừng. Từ năm 2011, khối lượng nhập khẩu gừng của Italia tăng đáng kể với mức tăng trung bình hàng năm là 20%. 

- Đan Mạch là nước đang tăng nhập khẩu gừng một cách nhanh chóng. Mặc dù năm 2015, nước này mới chỉ nhập khẩu 2,5 nghìn tấn, nhưng tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm về khối lượng là 28% kể từ năm 2011. Nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng 23% trong cùng thời kỳ. Năm 2015, 60% gừng nhập khẩu của Đan Mạch được nhập khẩu trực tiếp từ các nước đang phát triển. 

Nhiều nước nhập khẩu nhỏ hơn khác cũng đang tăng nhập khẩu gừng trực tiếp từ các nước đang phát triển trong những năm qua. Ví dụ như Bỉ (tăng 29% hàng năm), Thụy Sỹ (55%) và Hy Lạp (43%). Doanh nghiệp Việt Nam nên dành nguồn lực tham gia các triển lãm thương mại để tìm hiểu thị trường có mở cửa đối với sản phẩm của bạn hay không, thu thập các thông tin về thị trường và tìm kiếm các khách hàng tiềm năng. Một số triển lãm thương mại có liên quan tại Châu Âu gồm có Food Ingredients Europe (http://www.foodingredientsglobal.com/), Biofach (http://www.biofach.de/en) và SIAL (http://www.sialparis.com/).

Gia tăng giá trị sản phẩm tại nước xuất xứ

Các nhà tái xuất khẩu Châu Âu gia tăng giá trị cho gừng khô thông qua việc chế biến và đóng gói. Tuy nhiên, chế biến gừng đã được thực hiện ở các nước xuất xứ. Đặc biệt, các hình thức xử lý về nhiệt, như khử trùng bằng hơi nước, đang ngày càng trở thành yêu cầu quan trọng từ phía người mua. Xu hướng gia tăng giá trị sản phẩm tại nước xuất xứ được thể hiện trong Biểu đồ 4 dưới đây, mô tả gừng xay hoặc nghiền cũng là một dạng gia tăng giá trị. 

Biểu đồ 4: Các nước đang phát triển cung cấp gừng cho Châu Âu, theo mức độ chế biến

Đvt: nghìn tấn, năm 2015

 

Nguồn: CBI, 6/2017 

Số lượng các nhà cung cấp gừng đã nghiền/ xay tương đối thấp (6% tổng lượng gừng nhập khẩu) và tương đối ổn định trong giai đoạn 2011 – 2015. Biểu đồ trên cho thấy tỷ lệ xuất khẩu gừng nguyên củ với gừng đã xay. 

Trung Quốc không được thể hiện trong biểu đồ này vì các nhà cung cấp của nước này không theo tỷ lệ tương ứng như các nước cung cấp khác. Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu gừng nguyen củ. Cũng cần lưu ý rằng biểu đồ này không bao gồm Nauy, Thụy Sỹ và Iceland, vì số liệu về gừng nguyên củ hoặc gừng xay của các nước này không đầy đủ. 

Một số nước đã tăng xuất khẩu gừng xay sang Châu Âu. Đặc biệt, xuất khẩu gừng từ Peru đã tăng đáng kể kể từ năm 2014. Mặc dù tổng lượng xuất khẩu của nước này vẫn còn khiêm tốn so với Trung Quốc, xuất khẩu gừng xay của Peru đã tăng 62% hàng năm kể từ năm 2012 đến năm 2015. Các nước khác tăng xuất khẩu gừng xay gồm Myanmar (35% từ năm 2012 đến năm 2015) và Việt Nam (23% từ năm 2012 đến năm 2015).

 Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các cơ hội thị trường để hợp tác với các công ty chế biến của Châu Âu, đặc biệt là các công ty có quy mô lớn và có nguồn lực có thể đầu tư. Bạn có thể tìm thấy danh sách các công ty này trong danh sách thành viên của các hiệp hội gia vị quốc gia ở Châu Âu. Bạn có thể tham khảo phần các thành viên của Hiệp hội gia vị Châu Âu (ESA - http://www.esa-spices.org/index-esa.html/members-esa) để tìm danh sách các hiệp hội gia vị tại Châu Âu. 

Nhu cầu với các nguyên liệu tốt cho sức khỏe

Nhu cầu ngày càng tăng về gừng khô ở thị trường Châu Âu một phần do người tiêu dùng có nhu cầu tìm kiếm các loại nguyên liệu thực phẩm tốt cho sức khỏe. Đời sống khỏe mạnh hiện là một trong những xu hướng quan trọng nhất ở Châu Âu. Người tiêu dùng coi các loại nguyên liệu thực phẩm như muối, đường và các loại gia vị tổng hợp là không tốt cho sức khỏe. Những sản phẩm này đang dần được thay thế bởi các sản phẩm khác, những sản phẩm có thể gia tăng hương vị, như gia vị và thảo dược. 

Người tiêu dùng sử dụng gừng khô về những lợi ích được quảng bá là tốt cho sức khỏe. Ví dụ, các báo/ tạp chí và nhiều blogger về thực phẩm chỉ ra rằng việc tiêu thụ gừng giúp giải quyết các vấn đề về tiêu hóa, cúm và căng thẳng. 

Gừng khô đã xay hoặc nghiền được các nhà bán lẻ bán trong phân khúc các sản phẩm gia vị, ví dụ như REWE ở Đức (https://shop.rewe.de/ostmann-ingwer-gemahlen-30g/PD4247850) và Albert Heijn ở Hà Lan (https://www.ah.nl/producten/product/wi164666/ah-gember-gemalen). Với việc ngày càng trở nên phổ biến, gừng còn được sử dụng như một loại phụ gia trong các sản phẩm thực phẩm như trà và thức ăn nhẹ. Ví dụ như: phụ gia gừng được bán tại Holland & Barret (Anh), trà gừng hữu cơ được bán tại Albert Heijn (Hà Lan), trà gừng tại REWE (Đức), bánh quy hạt gừng tại Morrisons (Anh). 

Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo trang web của Triển lãm Food Ingredients Europe, là một triển lãm thương mại quốc tế lớn ngành nguyên liệu thực phẩm và dược phẩm của Châu Âu. Doanh nghiệp cũng có thể tham khảo trang web FoodNavigator (http://www.foodnavigator.com/) để tìm hiểu về các xu hướng ngành thực phẩm chức năng và các xu hướng phát triển khác của ngành thực phẩm. Bạn không nên đưa vào bất kỳ thông tin gì có lợi cho sức khỏe liên quan đến tiêu thụ gừng nếu bạn không sử dụng các nguồn tin tin cậy và khoa học. Luật pháp Châu Âu rất nghiệm ngặt liên quan đến những tuyên bố về sức khỏe trên bao gói tiêu dùng. Nếu bạn muốn bán gừng của bạn như một sản phẩm tốt cho sức khỏe, bạn hãy tìm hiểu về những yêu cầu của người mua đối với nguyên liệu tự nhiên tốt cho sức khỏe. Những yêu cầu này có thể sẽ chặt chẽ hơn cả các yêu cầu đối với thực phẩm nói chung. 

Sự phổ biến về ẩm thực của các nước khác

Nhu cầu đối với thực phẩm của các nước khác tại Châu Âu đang tăng lên. Vì gừng khô là một nguyên liệu quan trọng trong các món ăn của Châu Á nên đang dần trở nên phổ biến trên thị trường Châu Âu. Ví dụ một số món ăn của Châu Á đang ngày càng phổ biến ở Châu Âu và có chứa gừng như: các món nóng như thịt lợn sốt gừng chua ngọt và thịt bò xào gừng; các món ăn nhẹ như bánh quy gừng, thường được tiêu thụ trong dịp năm mới theo âm lịch. Có hai nguyên nhân chính làm tăng tính phổ biến của ẩm thực các nước: một là dân số đa sắc tộc của Châu Âu đang tăng lên. Năm 2014, 20% người nhập cư vào Châu Âu có gốc gác Châu Á. Và hai là người Châu Âu cũng đang quan tâm nhiều hơn tới ẩm thực của các nước khác. Họ được kết nối với phần còn lại của thế giới thông qua Internet và du lịch. Người Châu Âu có thể dễ dàng tìm kiếm các món ăn Châu Á trên mạng và mang theo các món ăn từ các chuyến du lịch của họ sang Châu Á. Bạn có thể tìm hiểu về xu hướng sử dụng các loại gia vị và thảo dược ở Châu Âu. 

Tính bền vững ngày càng trở nên quan trọng

Nguồn nguyên liệu bền vững là một xu hướng quan trọng ở Châu Âu, đặc biệt ở Anh, Hà Lan và Đức. Là một nhà cung cấp, bạn sẽ phải đáp ứng yêu cầu về bền vững từ người mua hàng của bạn. Nhiều khách hàng coi nguồn nguyên liệu bền vững là một yếu tố bắt buộc. Với việc có chứng nhận cho gừng, bạn có thể chứng minh bạn đảm bảo yêu cầu về bền vững. Tuy nhiên, gừng được chứng nhận vẫn còn là một thị trường ngách, chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường gừng Châu Âu. Thêm vào đó, hầu hết khách mua hàng ở các thị trường lớn chưa sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm có chứng nhận. Do đó, bạn cần thảo luận về cơ hội khi có chứng nhận với khách hàng của bạn trước khi xin chứng nhận cho sản phẩm. 

Chứng nhận có thể đem lại cho bạn lợi thế cạnh tranh. Đối với gừng khô, các chứng nhận chính bao gồm chứng nhận hữu cơ và Thương mại công bằng. Đối với gừng được chứng nhận hữu cơ, các thị trường tiềm năng nhất gồm có Đức và Hà Lan. Đối với gừng được chứng nhận thương mại công bằng, thị trường tiềm năng nhất là Anh. Tuy nhiên, gừng chỉ chiếm 3% tổng các loại gia vị và thảo dược được chứng nhận bởi tổ chức thương mại công bằng ở Châu Âu (31 tấn năm 2015). Hiện tại vẫn chưa có số liệu về gừng được chứng nhận hữu cơ. 

Bạn hãy quyết định liệu việc bạn chứng nhận cho gừng có khả thi hay không. Bạn có thể tìm đủ khách hàng để bù đắp cho khoản đầu tư này hay không? Bạn có thể tìm kiếm khách hàng trực tuyến, như trên trang web của Trung tâm thương mại quốc tế ITC. Bạn cũng có thể tìm kiếm theo danh sách những công ty trưng bày tại BioFach, triển lãm lớn nhất về hữu cơ tại Châu Âu. 

Bạn hãy làm việc với khách hàng Châu Âu, với các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức chính phủ quốc gia và quốc tế để việc xin chứng nhận cho gừng của bạn khả thi về mặt kinh tế. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin trên các trang web như Sáng kiến giá vị bền vững (http://www.sustainablespicesinitiative.com/en/ssi-download), Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp Hà Lan (http://english.rvo.nl/subsidies-programmes), Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức (http://www.developpp.de/en) và Cordaid (https://www.cordaid.org/en/projects/spices-producer-support-investment-fund/107946/). 

Bạn cũng có thể tham khảo trang web của Liên hiệp các tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM - http://www.ifoam-eu.org/) để tìm hiểu thêm thông tin về chứng nhận hữu cơ ở Châu Âu