Ngày 23/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6/2018 và thay thế Quyết định số 09 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số điểm mới và những nội dung chính của Nghị định 61/2018/NĐ-CP như sau:
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Nghị định này quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Nghị định này không điều chỉnh việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa quốc gia quy định tại Luật Hải quan.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tương đương, cục, vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết TTHC và tham gia vào quá trình giải quyết TTHC. Đồng thời khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác áp dụng Nghị định này trong giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.
Về nguyên tắc thực hiện: Các cơ quan giải quyết TTHC các cấp lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền. Việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quản lý tập trung, thống nhất, kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền. Quá trình giải quyết TTHC được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá bằng các phương thức khác nhau trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng CNTT và có sự tham gia của tổ chức, cá nhâ
Nghị định cũng quy định rõ những hành vi mà cán bộ, công chức, viên chức không được làm trong quá trình giải quyết TTHC như: Không được cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC; cản trở tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức nộp hồ sơ, nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định của pháp luật; cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận dữ liệu điện tử; thay đổi, xóa, hủy, giả mạo, sao chép, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ nội dung dữ liệu thực hiện TTHC; tiết lộ thông tin về hồ sơ, tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật của tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng thông tin đó để trục lợi.
Công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa không được kéo dài thời gian giải quyết TTHC hoặc tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật; trực tiếp giao dịch, yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không thông qua bộ phận một cửa, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đùn đẩy trách nhiệm, thiếu hợp tác, thiếu công bằng, không khách quan, không đúng pháp luật trong quá trình giải quyết TTHC; ứng xử, giao tiếp không phù hợp với quy chế văn hóa công sở.
Về tổ chức bộ phận một cửa:
- Tại cấp bộ: căn cứ số lượng TTHC, tần suất tiếp nhận hồ sơ và trụ sở làm việc Bộ trưởng quyết định thành lập bộ phận một cửa trực thuộc Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ; Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ Điều 4 (các nguyên tắc thực hiện) Nghị định quyết định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông phù hợp với điều kiện công tác từng bộ; Bộ trưởng bộ Ngoại giao căn cứ Nghị định và các điều ước quốc tế mà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết và điều kiện hoàn cảnh từng nước, từng địa bàn quyết định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của Việt Nam tại các tổ chức nước ngoài.
- Tại cấp tỉnh: Nghị định quy định bộ phận một cửa là tên gọi chung của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công. Đối với cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh, có con dấu để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật của Trung tâm Phục vụ hành chính công do Văn phòng UBND cấp tỉnh bảo đảm và quản lý.
Trường hợp cấp tỉnh chưa đủ điều kiện tổ chức Trung tâm Phục vụ hành chính công, tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan chuyên môn quyết định thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc văn phòng cơ quan chuyên môn đó.Đối với cấp huyện, UBND cấp huyện quyết định thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Đối với cấp xã, UBND cấp xã quyết định thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND cấp xã.
Về tiêu chuẩn, trách nhiệm và thời hạn làm việc: Nghị định quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu bộ phận một cửa; quy định tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền lợi, thời hạn làm việc của công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa. Cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên; có thâm niên công tác tối thiểu 3 năm trong ngành, lĩnh vực được phân công và được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ; có phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong thi hành nhiệm vụ được giao; có tác phong, thái độ giao tiếp, cư xử lịch sự, hòa nhã, cởi mở, thân thiện, chuẩn mực, đúng quy chế văn hóa công sở. Nghị định cũng quy định rõ thời hạn làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được cử đến làm việc tại bộ phận một cửa cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện không ít hơn 6 tháng và không nhiều hơn 24 tháng mỗi đợt.
Về bố trí trụ sở và trang thiết bị làm việc: bộ phận một cửa được bố trí ở vị trí thuận tiện, dễ tìm có diện tích phù hợp để thực hiện nhiệm vụ, quy mô diện tích phù hợp với số lượng giao dịch giải quyết TTHC trong ngày của bộ phận một cửa. Ưu tiên việc nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc đã có hoặc thuê, hoán đổi công năng của công trình sẵn có để tránh lãng phí. Về trang, thiết bị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các cấp căn cứ vào tình hình thực tế và tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị của cơ quan nhà nước quyết định việc trang thiết bị, phương tiện làm việc của bộ phận một cửa đáp ứng nhu cầu làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
Về yêu cầu đối với Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phải bảo đảm tính thống nhất trong quá trình đầu tư, xây dựng, tuân thủ nguyên tắc mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung để tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp; bảo đảm khả năng tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để truy xuất dữ liệu TTHC của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh. Hỗ trợ xác thực thông tin công dân, doanh nghiệp thông qua việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các cơ sở dữ liệu khác liên quan…
Về mã hồ sơ TTHC: mã số hồ sơ TTHC do Hệ thống thông tin điện tử một cửa cấp tự động, được sử dụng thống nhất trong giao dịch giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, tổ chức và giữa các cơ quan, đơn vị với nhau.
Về đánh giá việc giải quyết TTHC: Nguyên tắc đánh giá: khách quan, trung thực, chính xác, khoa học, minh bạch, công khai, công bằng, bình đẳng đúng pháp luật trong việc đánh giá; lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức về chất lượng và tiến độ giải quyết TTHC, kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo đánh giá; bảo mật thông tin cá nhân cung cấp thông tin, hợp tác lấy ý kiến khảo sát.
- Thẩm quyền đánh giá: cơ quan có thẩm quyền cấp trên đánh giá chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC cơ quan trực thuộc; tổ chức, cá nhân đến giao dịch giải quyết TTHC đánh giá chất lượng, tiến độ giải quyết TTHC; cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết TTHC từ đánh giá cơ quan mình; Văn phòng Chính phủ đánh giá việc giải quyết TTHC tại các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác đánh giá giải quyết TTHC thông qua điều tra xã hội học.
(Thanh Hương-VPS-Sưu tầm)