Ngày 04 tháng 07 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.
Trước tình hình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đang tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như CPTPP hay mới đây nhất là FTA với EU (EVFTA), cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu là rất lớn nhưng song hành cùng nó là những thách thức không hề nhỏ. Chúng ta cần theo dõi, giám sát những ngành hàng phát triển xuất khẩu quá nóng hoặc tình trạng doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng chính sách đầu tư để sản xuất "một cách hình thức" rồi lấy xuất xứ Việt Nam nhằm hưởng thuế quan ưu đãi. Trong bối cảnh số lượng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nước ta ngày càng gia tăng, Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” ra đời là một giải pháp quan trọng, nhanh chóng, kịp thời để đối phó với tình trạng này, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và khai thác hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới và các Hiệp định thương mại đã ký kết, phát triển bền vững xuất khẩu, bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính của Việt Nam.
Mục tiêu của Đề án bao gồm: (i) nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết; (ii) nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; (iii) bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính của Việt Nam.
Đề án đã chỉ ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để cảnh báo và giảm thiểu tác động của các vụ việc điều tra trong tương lai như sau: (i) Giám sát và trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng về các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường cụ thể; (ii) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O); (iii) Thu hút đầu tư một cách có chọn lọc, không để các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng Việt Nam để trở thành điểm "trung chuyển" hàng hóa sang các nước khác; (iv) Chủ động xây dựng cơ chế hợp tác với các đối tác thương mại lớn nhằm phối hợp ngăn chặn các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận thương mại và gian lận xuất xứ.
Thông tin cụ thể của Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính Phủ, tải về tại đây./.
Phòng QLTM