Ngày 28 tháng 10 năm 2019, UBND tỉnh ban hành công văn số 11101/UBND-VP về việc triển khai kết luận của Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 27 tháng 9 năm 2019 (Thông báo số 845/TB-BCĐĐHG ngày 03/10/2019). Theo đó, UBND tỉnh giao cho các Sở : Công Thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài chính, Y tế, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và xã hội, Thông tin truyền thông theo chức năng nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo nêu trên.
Theo Thông báo số 845/TB-BCĐĐHG, Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2018 tăng 2,5%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, từ đó tiếp tục tạo thêm dư địa cho công tác điều hành giá kiểm soát lạm phát cả năm 2019 theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để xem xét điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Qua kết quả thực hiện công tác điều hành giá tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo điều hành giá khẳng định quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm và dự báo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 trong mức từ 3,3 -3,5%.
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường, phù hợp; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thường tăng cao vào cuối năm (dịp Tết Dương lịch, Noel, mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán) để hạn chế tăng giá. Trong điều kiện dư địa lạm phát đang có điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, các Bộ, ngành, địa phương căn cứ lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý để chủ động tính toán, lựa chọn mức độ và thời điểm phù hợp, kịp thời báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công... Làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để tạo dựng niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào việc điều hành của Chính phủ; thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ động trong điều hành sản xuất và phân phối các nguồn hàng để ứng phó kịp thời với các chính sách kinh tế của các nước có quan hệ thương mại lớn hiện nay; phối hợp với các Bộ, ngành có những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát tình hình nhập khẩu...; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan tăng cường các giải pháp giảm các chi phí trong dịch vụ logistic để tăng cường năng lực cạnh tranh, giảm chi phí cho nền kinh tế.
Đối với mặt hàng thịt lợn, để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường thịt lợn trong nước các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2020, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kịch bản chi tiết cụ thể tình hình sản xuất, dịch bệnh, đánh giá sát từng tháng tình hình cung - cầu và phối hợp với Bộ Công Thương để có biện pháp bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước; tránh tình trạng tăng giá đột xuất nhóm hàng này. Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng nắm rõ thông tin nguồn cung - cầu, sớm có kế hoạch tạo nguồn hàng, dự trữ bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nắm bắt các diễn biến của giá thế giới để điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chú trọng bảo đảm an ninh năng lượng và nguồn cung đáp ứng đầy đủ nhu cầu; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Đặc biệt đối với mặt hàng điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện rà soát phương án giá bán lẻ điện bình quân Quý III năm 2019 của EVN theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan (đầy đủ các thành phần theo quy định) kiểm tra, rà soát chi phí đầu vào, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 và công bố công khai chậm nhất là vào tháng 11 năm 2019.
Đối với các sản phẩm dịch vụ chuyển từ phí sang giá (gồm 9 dịch vụ tại địa phương), các địa phương rà soát, đánh giá tình hình ban hành, mức giá các dịch vụ và dự kiến mức điều chỉnh giá, lộ trình điều chỉnh nếu có theo hướng tính đúng tính đủ các chi phí cấu thành giá đảm bảo hài hòa lợi ích nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ. Các Bộ, ngành rà soát hoàn thiện ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật, để làm căn cứ xây dựng phương án giá dịch vụ.
Thôi Ngọc Đoan Thùy – P. KHTC-TH