LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Hội thảo hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện Chống bán phá giá

Ngày 11/10/2013, tại Khách sạn Palace, Thành phố Vũng Tàu, Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các công cụ hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện CBPG hàng hóa xuất khẩu Việt Nam”, với sự tham dự của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp của tỉnh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Thuận, Tây Ninh, Long An. Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu, các cơ quan quản lý trong và ngoài tỉnh nắm được tổng quan về CBPG và các biện pháp hạn chế các thiệt hại từ các vụ kiện CBPG, cũng như sử dụng hiệu quả các công cụ hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện CBPG.

Cùng với việc mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là sau khi Việt Nam ra nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, các loại hàng hóa của Việt Nam đã có mặt ở hầu khắp các thị trường trên thế giới, đem lại không chỉ giá trị kinh tế mà còn là kênh quan trọng giới thiệu với thế giới về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với những thành công đó, từ khá lâu, chúng ta cũng đã bắt đầu biết đến và chịu các ảnh hưởng từ những biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng ở nhiều nước, có khả năng gây thiệt hại lớn và lâu dài đến xuất khẩu của Việt Nam. Dưới hình thức thuế bổ sung, hạn ngạch... các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) là những rào cản mang tính bảo hộ sản xuất trong nước đang có nguy cơ gia tăng tại các thị trường xuất khẩu.

Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là những lĩnh vực còn rất mới đối với doanh nghiệp Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của nước ngoài, đặc biệt là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: cá tra, basa, tôm và da giày…. Trên thực tế, nhiều vụ kiện khi xảy ra làm cho các doanh nghiệp Việt Nam hết sức bất ngờ bởi họ chưa từng bán phá giá hay được trợ cấp. Và các vụ kiện bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tiếp tục xảy ra không chỉ từ các nước phát triển mà còn từ các nước đang phát triển. Đối với các mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao vào một số thị trường cũng sẽ có nguy cơ đối đầu với các vụ kiện bán phá giá trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, chúng ta chủ yếu bị kiện chống bán phá giá và biện pháp tự vệ, nhưng hiện nay, chúng ta đã bắt đầu phải đối mặt với công cụ cuối cùng của nhóm các biện pháp phòng vệ thương mại, đó là kiện chống trợ cấp, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều quốc gia chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Điển hình là vụ kiện chống trợ cấp mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ mới đây. Các vụ kiện chống trợ cấp, với đặc thù là không chỉ doanh nghiệp mà cả Chính phủ cũng là một bên của vụ kiện và phải tham gia các thủ tục tố tụng liên quan, nên tầm ảnh hưởng và hậu quả để lại nếu thua kiện là rất lớn.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được giới thiệu về Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện CBPG, hướng dẫn tra cứu Dữ liệu và Kết quả phân tích Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện CBPG, hướng dẫn đăng ký sử dụng Hệ thống. Buổi Hội thảo phần nào giúp các doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại do các vụ kiện chống bán phá giá gây ra đồng thời giúp cho doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị và chủ động phòng tránh các vụ kiện có thể xảy ra