LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Định hướng - Quy hoạch Định hướng - Quy hoạch
Quy hoạch ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký Quyết định số 3218/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với quan điểm “phát triển ngành Dệt May theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; chuyển mạnh sản xuất từ gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, đảm bảo nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu”.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch nhằm xây dựng ngành công nghiệp Dệt May trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao; tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Cùng với đó, phấn đấu đảm bảo cho ngành Dệt May phát triển bền vững, hiệu quả trên cơ sở công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý môi trường theo các chuẩn mực quốc tế; phân bố dệt may ở các vùng phù hợp: thuận lợi về nguồn cung cấp lao động, giao thông, cảng biển. Đến năm 2020, ngành Dệt May xây dựng được một số thương hiệu nổi tiếng.


Phát triển ngành Dệt May theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Theo quy hoạch, các sản phẩm, lĩnh vực quan trọng được phát triển theo định hướng:

Tăng cường cho ngành may xuất khẩu để tận dụng cơ hội thị trường; trong đó: đa dạng hóa và nâng cao đẳng cấp mặt hàng may mặc, phát triển các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực trong quản lý doanh nghiệp, thiết kế mẫu, quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại;...

Xây dựng chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu, phát triển các sản phẩm dệt kỹ thuật, sản phẩm dệt phục vụ y tế; tập trung vào các khâu trọng yếu nhằm tăng chất lượng sản phẩm và lòng tin khách hàng, trong đó khâu dệt nhuộm, hoàn tất là quan trọng nhất. Các dự án đầu tư sản xuất sợi, dệt, nhuộm, cần lựa chọn công nghệ phù hợp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và ít gây ô nhiễm môi trường;...

Phát triển nguồn nguyên liệu xơ bông, các loại cây có xơ sợi, xơ sợi nhân tạo và phụ liệu; trong đó lựa chọn, đầu tư bổ sung các nhà máy sản xuất xơ sợi nhân tạo, từng bước chủ động đáp ứng nhu cầu của ngành dệt về chủng loại, chất lượng, số lượng, nhằm mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa; triển khai chương trình phát triển cây bông, trong đó chú trọng xây dựng các vùng trồng bông có tưới nhằm tăng năng suất và chất lượng bông xơ trong nước, cung cấp cho ngành dệt.

Quy hoạch theo vùng, lãnh thổ: quy hoạch dệt may theo vùng lãnh thổ được phân chia thành 07 khu vực, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc khu vực 5 (Vùng Đông Nam Bộ), được định hướng sẽ phát triển cụm công nghiệp dệt may (không có nhuộm) tại khu công nghiệp Đất Đỏ, thuộc huyện Đất Đỏ. Ngoài ra tỉnh còn được định phát triển một số nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu, thiết bị phụ tùng cơ khí cho ngành dệt may.

Ngoài các nội dung trên, quy hoạch còn đưa ra các giải pháp, chính sách và tổ chức thực hiện, nhằm đạt các mục tiêu quy hoạch đề ra.

Quyết định 3128/QĐ-BCT ngày 11/4/2014 của Bộ Công Thương được đăng tải trên trang tin điện tử của Bộ Công Thương tại http://www.moit.gov.vn); hoặc tại http://soct.baria-vungtau.gov.vn mục văn bản pháp quy

Đình Hiệp – Tổng hợp