Tin tức sự kiện
Doanh nghiệp ngành Công Thương vẫn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của UBND Tỉnh, để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Sở Công Thương đã tổ chức 04 đoàn khảo sát đến làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp (DN) chủ lực thuộc ngành để nắm rõ thực trạng sản xuất kinh doanh, khó khăn, vướng mắc của DN, từ đó đề xuất, kiến nghị các biện pháp tháo gỡ. Qua khảo sát tại 35 DN, Sở Công Thương nhận thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các DN những tháng đầu năm đã có dấu hiệu hồi phục so với cùng kỳ năm ngoái, hầu hết các DN đều có khả năng hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra (28/35 DN). Tuy nhiên, DN vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn như cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, thị trường thu hẹp, chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán ra giảm, DN khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, v.v... làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể như : Về cơ chế, chính sách , đa số các DN đều có phản ánh về quy định kiểm tra tải trọng các loại xe vận tải trong thời gian gần đây. Mặc dù quy định này là hợp lý và các DN hoàn toàn ủng hộ; tuy nhiên việc kiểm tra này được triển khai trong giai đoạn tình hình sản xuất kinh doanh của DN đang gặp khó khăn, do đó đã làm chi phí vận chuyển tăng cao (theo đánh giá của các DN chi phí tăng gấp 2,5 lần) và thiếu phương tiện vận tải, từ đó làm tăng chi phí sản xuất cũng như xuất khẩu, kéo theo lợi nhuận của DN sụt giảm. Mặt khác theo báo cáo của DN quy định trọng lượng container của VN thấp hơn quy định của quốc tế , do đó DN phải mất thêm một khoản chi phí để bốc dỡ hàng hóa khi lưu thông Các chính sách thuế thay đổi liên tục trong thời gian ngắn cũng gây khó khăn cho DN trong quá trính áp dụng. Cụ thể như Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định sau ít nhất 12 tháng tính từ tháng đầu tiên phát sinh số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào chưa được khấu trừ hết mà vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế - thay vì trước đây 3 tháng được hoàn thuế. Việc hoàn thuế chậm tạo áp lực về vốn cho DN. Mặt khác, việc quy định DN phải nộp thuế GTGT trước khi nhập khẩu 30 ngày cũng gây khó khăn cho DN. Hay như theo quy định tại Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện thuế nhà thầu thì phía DN cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng công nghệ thiết bị nhập khẩu phải nộp thuế nhà thầu khi nhập khẩu hoặc thanh toán hợp đồng mua bán, không quan tâm đến việc dịch vụ bảo hành có tiến hành tại Việt Nam hay không, gây khó khăn cho DN trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, một số vấn đề khác như văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản thay thế (Thông tư số 01/2012/TT-BTNMT ngày 06/03/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hết hiệu lực từ 05/6/2013) gây khó cho DN vì không thể điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2013 (có hiệu lực từ ngày 01/6/2014) quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu quy định các loại thép sẽ phải chịu kiểm tra hợp chuẩn, hợp quy trước lúc thông quan. Quy định mới này gây khó khăn cho các DN nhập khẩu thép để sản xuất hàng gia công xuất khẩu vì những mặt hàng thép này không được tiêu dùng tại Việt Nam, do đó nếu áp dụng theo quy định mới sẽ làm mất nhiều thời gian cho việc kiểm tra hợp chuẩn, hợp quy cũng như làm tăng chi phí của DN. Về vốn sản xuất kinh doanh, DN khó tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp do các điều kiện, thủ tục khắt khe. Hiện nay lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần từ 11-12%/năm vẫn khá cao so với khả năng kinh doanh của DN. Tình hình cung cấp điện trong năm 2014 đã có cải thiện hơn nhiều so với những năm trước, nguồn điện đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh; đa số các trường hợp cắt điện đều thông báo trước đến DN. Tuy nhiên vẫn tồn tại trường hợp cắt điện đột xuất không báo trước, tập trung chủ yếu ở các nhà máy, xí nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp và ở khu vực chế biến hải sản thành phố Vũng Tàu, gây thiệt hại không nhỏ cho DN và giảm tuổi thọ máy móc. Giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng (điện, gas, chi phí vận chuyển...) làm giảm lợi nhuận và gây khó cho DN khi thực hiện các đơn hàng đã ký kết. Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu trong nước không đảm bảo về chất lượng cũng như số lượng nên DN buộc phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất và giảm lợi nhuận của DN. Nguyên liệu chế biến hải sản ngày càng khan hiếm do nguồn lợi từ đánh bắt bị cạn kiệt, cộng với tình hình căng thẳng trên biển Đông đã dẫn đến việc giành giựt tranh mua đẩy giá nguyên liệu lên cao trong khi giá xuất khẩu không tăng, thậm chí giảm nên hoạt động không có hiệu quả. Thị trường tiêu thụ thu hẹp, sản phẩm bán ra của hầu hết các DN đều giảm mạnh so với cùng kỳ, không ký được đơn hàng mới, nhiều DN phải hoạt động cầm chừng, không dám sản xuất vì sợ tồn kho. Đối với các DN sản xuất vật liệu xây dựng (thép, xi măng) hiện nguồn cung tăng cao, cộng với sự cạnh tranh gay gắt về công nghệ giữa các nhà sản xuất làm giá thành sản phẩm hạ liên tục, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với sản phẩm tháp gió, từ giữa năm 2012, DN bị áp giá 52% khi xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Để có thể thỏa thuận hạ mức thuế này, năm 2013 DN đã xuất 03 bộ tháp gió và toàn bộ hồ sơ liên quan sang Mỹ để chứng minh rằng DN không bán phá giá, dự kiến trong năm 2014 phía Mỹ sẽ tổ chức đoàn sang VN để điều tra lại vấn đề này. Về lao động, nguồn lao động tại tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật nên DN phải mất nhiều thời gian đào tạo. Riêng ngành chế biến hải sản, nguồn lao động không ổn định, do đặc thù môi trường làm việc nên người lao động thường không gắn bó lâu với nghề. Ngoài ra, một số chính sách liên quan đến người lao động như tăng lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn cũng gây không ít khó khăn cho DN khi quỹ lương phải điều chỉnh tăng đáng kể, nhất là các ngành nghề thâm dụng lao động như may mặc, chế biến thủy sản. Thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài phức tạp, mất nhiều thời gian cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của các DN. Một số vấn đề khác như thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khó khăn, mất nhiều thời gian khiến cho một số DN không có tài sản thế chấp khi muốn vay vốn ngân hàng (các DN chế biến hải sản). Tình hình giao thông không thuận tiện cũng gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa (con đường vào cụm công nghiệp Hắc Dịch 1). Vấn đề xử lý xỉ thép, bụi lò tại các nhà máy sản xuất thép vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để, vừa gây ảnh hưởng môi trường, vừa không tận dụng được nguồn nguyên liệu. Đối với DN trồng và chế biến mủ cao su, việc chuyển từ đóng thuế đất nông nghiệp sang đóng tiền thuê đất dẫn đến khó khăn về tài chính cho DN (hiện DN phải đóng tiền thuê đất 25 tỷ đồng/năm thay vì trước đây đóng thuế nông nghiệp 7,2 tỷ đồng/năm). Riêng ngành thép, thời hạn giấy phép nhập khẩu nguyên liệu quá ngắn, đã ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm, trong khi các DN này đang có rất nhiều đơn đặt hàng. Tất cả những khó khăn, vướng mắc trên đều gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN cũng như ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế của tỉnh. Sở Công Thương đã ghi nhận các khó khăn và kiến nghị của DN trình UBND tỉnh để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ để DN yên tâm sản xuất kinh doanh. Trâm Anh
Bài mới hơn
Bài cũ hơn
|