Thương mại
Cẩn trọng với các hành vi bán hàng đa cấp lừa đảo, bất chính
Những ngày vừa qua, báo chí đã đồng loạt đưa tin về việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa bắt tạm giam Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (gọi tắt là Liên kết Việt) và các đồng phạm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đánh giá của Cơ quan điều tra, với chiêu bài kinh doanh đa cấp, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 2.000 tỉ đồng của 45.000 người tham gia trên 27 tỉnh, thành cả nước. Đây chỉ là một trong số rất nhiều công ty núp bóng kinh doanh đa cấp lợi dụng lòng tham, sự cả tin của những người tham gia hòng chiếm đoạt tài sản một cách trắng trợn và thường chuyển từ hình thức này sang hình thức khác...Từ năm 2004, cũng đã có những vụ việc bán hàng kinh doanh theo mô hình đa cấp đã bị Cơ quan điều tra xử lý như Colony Invest, hay Tâm Mặt Trời, những vụ liên quan đến kinh doanh dịch vụ của Diamond Holiday, gần đây có vụ công ty MB24 và mới nhất là vụ Công ty Liên Kết Việt. Bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh hiện đại, có những ưu thế nhất định và là một trong những cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Hình thức hoạt động này sẽ là tốt nếu được dùng để bán các sản phẩm - dịch vụ có lợi cho người tiêu dùng, với giá cả hợp lý đúng với giá trị sử dụng. Không ít các doanh nghiệp đã thành công với mô hình bán hàng này. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp sử dụng loại hình, hình thức kinh doanh này một cách hiệu quả, cũng đã xuất hiện một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp có dấu hiệu bất thường, biến tướng. Nhiều cá nhân, tổ chức đa cấp bất chính lợi dụng tính hợp pháp của mô hình kinh doanh này để trục lợi, làm trái các quy định của pháp luật Việt Nam và lôi kéo nhiều người dân tham gia. Những doanh nghiệp này thường có những dấu hiệu sau: - Yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua một lượng hàng hóa ban đầu dưới bất kỳ hình thức nào mới được quyền tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp; - Không cam kết mua lại hàng hóa với mức tối thiểu 90% mức giá đã bán cho người tham gia sau khi trừ các chi phí quản lý, tái lưu kho và chi phí hành chính khác; trong thời gian là 30 ngày kể từ ngày người tham gia bán hàng đa cấp nhận hàng; - Cho người tham gia hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia mạng lưới; - Thông tin sai lệch (như thổi phòng cơ hội siêu giàu mà không phải làm gì) về lợi ích tham gia mạng lưới và chất lượng hàng hóa; - Lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người mới tham gia vào mạng lưới. - Không quan tâm đến việc bán được hàng hóa hay không mà chỉ quan tâm đến việc dụ dỗ, lôi kéo được càng nhiều người tham gia càng tốt. Việc các doanh nghiệp tổ chức mạng lưới và các hoạt động nhằm phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp không có gì sai phạm. Tuy nhiên, trong hoạt động quảng bá sản phẩm, phần lớn các doanh nghiệp đều thổi phồng giá trị thật của sản phẩm, đánh vào tâm lý của người tiêu dùng. Họ còn vẽ ra ảo tưởng về sự giàu có, sang trọng và thành đạt của những người trong mạng lưới bán hàng đa cấp, nhằm mê hoặc những người nghèo muốn được làm giàu nhanh chóng. Do đó, Sở Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ hoạt động của tổ chức bán hàng đa cấp cũng như các quy định pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp trước khi tham gia vào mạng lưới này. Đồng thời, nếu phát hiện các hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” phải báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn và xử lý kịp thời. Phạm Hà-P. QLTM
Bài mới hơn
Bài cũ hơn
|