Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ thanh long tại Bình Thuận

Lễ ký kết hợp tác tiêu thụ thanh long giữa Sở Công Thương các tỉnh, thành phố

Trong 03 ngày, từ ngày 21 đến ngày 23/11/2016, tại Khách sạn Park Diamond, khu Đồi dương, đường Lê Lợi, phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Hội nghị xúc tiến Thanh long tại tỉnh Bình Thuận do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức.

Tham dự hội nghị có đại diện của các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương như Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thương mại biên giới và Miền núi, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, các cục vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo dự kiến, chương trình thu hút sự tham gia của 200-250 đại biểu đến từ Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong nước có cửa khẩu xuất khẩu thanh long, có dung lượng thị trường tiêu thụ thanh long số lượng lớn và các tỉnh sản xuất thanh long tập trung, sản lượng lớn.

Các doanh nghiệp phân phối; chợ đầu mối nông sản; Hiệp hội thanh long; các hiệp hội ngành nghề; hợp tác xã chế biến thanh long của tỉnh Bình Thuận; một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm và xuất nhập khẩu thanh long trong và ngoài nước, chủ yếu là Đoàn của các thương nhân Trung Quốc.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (bên phải) và bà Vũ Bích Hảo (giữa) - PGĐ Sở Công Thương tỉnh BR-VT đi thăm các gian hàng sản phẩm

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng 10ha trồng thanh long ruột đỏ theo VietGAP, chủ yếu tập trung tại 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng. Tuy nhiên, đến nay các sản phẩm trồng theo quy trình VietGAP vẫn chưa hoàn thành việc xin cấp chứng nhận sản xuất chuẩn VietGap.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo quy trình VietGAP được Hội Nông dân tỉnh phối hợp cùng Sở KH-CN thực hiện thí điểm tại xã Bông Trang (năm 2009) và xã Bưng Riềng (năm 2013) của huyện Xuyên Mộc, với diện tích 2ha/xã. Tại xã Bưng Riềng, tổng sản lượng đạt thanh long trồng theo mô hình này  hiện nay đạt khoảng 30 tấn/2 ha, doanh thu đạt từ 600 - 700 triệu đồng/năm. Theo đặc tính và tuổi thì năng suất thanh long ruột đỏ có thể đạt từ 40 - 45 tấn/ha/năm kể từ năm thứ 4, thứ 5. Với mức giá như hiện tại (25.000 – 30.000 đồng/kg), trồng thanh long ruột đỏ sẽ cho lợi nhuận từ 400-500 triệu đồng/ha/năm; kể cả khi giá xuống mức 10.000 đồng/kg vẫn có lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha/năm.

Trước hiệu quả mang lại của việc trồng thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP, những người trồng thanh long đã đề xuất tỉnh cần thành lập cơ sở thu mua sản phẩm này, đồng thời xây dựng nhà sơ chế quả thanh long của BR-VT, từng bước xây dựng thương hiệu để tiếp cận vào các siêu thị, bếp ăn công nghiệp… Có thị trường tiêu thụ ổn định thì không phải phụ thuộc thương lái, giúp người nông dân nâng cao thu nhập.

 

Tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ thanh long giữa Sở Công Thương các tỉnh thành phố, giữa các DN Việt Nam và giữa DN Việt Nam với DN Trung Quốc, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa lưu ý các biên bản ký kết này cẩn phải được các tỉnh thành theo dõi, đôn đốc thực hiện một cách thường xuyên và báo cáo kết quả về cho Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Các tỉnh thành liên quan cần báo cáo kết quả thực hiện cụ thể 6 tháng/ 1 lần để đảm bảo hiệu quả cao nhất từ các hoạt động ký kết.

Đình Hiệp