Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Kết quả chấm điểm văn minh thương mại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2018

Thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2018 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc ban hành tiêu chuẩn chấm điểm văn minh thương mại. Vừa qua, các địa phương đã thành lập Tổ công tác liên ngành và thực hiện chấm điểm đối với 03 siêu thị, trung tâm thương mại và 61 chợ trên toàn tỉnh. Kết quả, trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị xuất sắc (gồm Trung tâm MM Mega Vũng Tàu, siêu thị Co.op mart Vũng Tàu, siêu thị Lotte Mat Vũng Tàu, chợ Long Phước – Bà Rịa), 19 chợ loại tốt, 28 chợ loại khá và có 13 chợ không đạt.

Chợ Long Phước – TP. Bà Rịa

Qua công tác kiểm tra, chấm điểm tại các siêu thị, chợ, Trung tâm thương mại có thể thấy, hầu hết các chợ đạt tiêu chuẩn văn minh thương mại trên địa bàn tỉnh đều đã thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn văn minh thương mại, như: Trang bị cân đối chứng hàng hóa và được kiểm định định kỳ nhằm phục vụ cho việc đối chứng sau khi mua hàng hóa của nhân dân trên địa bàn; Tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá hàng hóa kinh doanh, kiểm tra việc sử dụng cân các loại đều đảm bảo tốt và không có trường hợp người tiêu dùng phản ảnh về trọng lượng sau khi mua; Các mặt hàng thực phẩm được kiểm tra nhắc nhở thường xuyên, không có trường hợp ngộ độc thực phẩm do tiểu thương bán ra tại chợ; Đối với công tác phòng chống cháy nổ cũng được tổ chức kiểm tra thường xuyên và duy trì việc bảo trì các máy chữa cháy định kỳ; Thường xuyên kiểm tra các nhà vệ sinh trong chợ, đảm bảo việc bố trí nam nữ riêng biệt và cách biệt với khu kinh doanh thực phẩm; Phân công lực lượng bảo vệ chợ duy trì thường xuyên kiểm tra hàng hóa, phương tiện kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, hành lang lối đi công cộng, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm; Tại chợ không phát hiện việc kinh doanh văn hóa phẩm phản động, đồi trụy và các tệ nạn cờ bạc xảy ra trong chợ; Tuyên truyền đến các tiểu thương thực hiện việc nộp thuế và các khoản phí đầy đủ, đúng thời gian quy định.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Các quầy sạp, của hàng, kios… của một số hộ tiểu thương không có bảng ghi rõ, tên, địa chỉ, số đăng ký kinh doanh, điện thoại của chủ hộ kinh doanh; Tình hình bày bán hàng hóa bừa bãi, lấn chiếm diện tích công và lối đi trong chợ và vỉa hè, lòng lề đường vẫn còn tái diễn;  Về cơ sở vật chất: Một số chợ được xây dựng và đã hoạt động từ lâu nên đã xuống cấp, các biển hiệu đã cũ và mờ chữ chưa được sửa chữa, các quầy hàng còn chưa sắp xếp, theo đúng ngành hàng, nhóm hàng, nền chợ bị ứ đọng nước tại một số khu vực buôn bán; Về công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, một số Ban Quản lý chợ chưa thực hiện kiểm tra, giám sát thực phẩm trước khi vào chợ. Một số thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn trà trộn vào chợ gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Thùng rác chưa có nắp đậy, việc bố trí các gian hàng giữa thực phẩm sống và chín chưa cách ly để chống lây nhiễm chéo, một số thực phẩm bày bán trực tiếp trên mặt sàn chợ… Về công tác vệ sinh môi trường: Một số chợ chưa làm tốt công tác xử lý rác, nước thải, dọn dẹp vệ sinh trong chợ; Về công tác PCCC, các hộ kinh doanh bày hàng hóa lấn chiếm lối đi làm ảnh hưởng đến lưu thông và công tác phòng cháy, chữa cháy tại chợ; chưa thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất của chợ, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy, loa phát thanh tại chợ bị xuống cấp, hư hỏng; Lực lượng bảo vệ tại chợ mỏng nên công tác tuần tra, kiểm tra xử lý chưa duy trì thường xuyên nên đạt hiệu quả chưa cao; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa quan tâm đến công tác xây dựng chợ văn minh thương mại tại địa phương.

Kết quả chấm điểm thực hiện tiêu chuẩn văn minh thương mại của các địa phương được lấy làm căn cứ để xếp loại thi đua năm 2018 đối với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Danh sách xếp loại các chợ văn minh thương mại tại đây

(Phạm Hà – P. QLTM)