Thương mại
Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện Hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics trong thời kỳ hội nhập”
Thực hiện chương trình công tác Hội nhập quốc tế năm 2019, đồng thời nhằm nâng cao kiến thức hội nhập quốc tế cùng với việc đánh giá những cơ hội, thách thức trong lĩnh vực logistics khi hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay cho cán bộ công chức của tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Ngày 20/9/2019 vừa qua, Ban Chỉ đạo Hội nhập Quốc tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Cục công tác phía Nam - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện Hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics trong thời kỳ hội nhập” Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam – Bộ Công Thương phát biểu chào mừng Hội nghị Đến dự và phát biểu chào mừng hội nghị, Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam – Bộ Công Thương cho biết hiện nay, Việt Nam đã ký kết được hơn 13 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các đối tác trong khu vực và trên thế giới (trong đó có 12 Hiệp định có hiệu lực thực hiện và 01 Hiệp định đang chờ Quốc hội các nước thành viên thông qua). Đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) là hai Hiệp định lớn nhất với hàng loạt các điều kiện mở cửa thị trường, vấn đề đầu tư,….sẽ tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hướng đến các thị trường lớn, giúp chúng ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà chúng ta đang có nhu cầu phát triển.Hiện nay Việt Nam đang đàm phán 3 Hiệp định gồm: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định thương mại tự do giữa VN và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (VN - EFTA); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel. Bên cạnh những cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại thì cũng đặt ra những khó khăn đến cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp khi hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp chúng ta phải minh bạch thông tin và cạnh tranh sòng phẳng với các nước thành viên tham gia các Hiệp định. Một trong những vấn đề nan giải hiện nay của Chính phủ, các Bộ ngành trung ương đến địa phương là sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam chưa thật tốt khi chi phí logistics của nước ta hiện nay rất cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo thống kê năm 2018 của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20 - 22 tỉ USD/năm, chiếm gần 20,9% GDP của cả nước. Tỷ trọng này ở Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu (14%). Trong đó, khâu quan trọng nhất là vận tải chiếm từ 40 - 60% chi phí logistics. Nguyên nhân chính do chúng ta chưa kết nối được hệ thống vận tải đa phương thức, vận chuyển theo đường nào cũng gặp nhiều bất cập. Tiến sĩ Lê Văn Bảy trình bày tại Hội nghị Tiến sĩ Lê Văn Bảy, diễn giả trình bày tại Hội nghị đã cung cấp cho học viên những nội dung cơ bản về logistics, dịch vụ logistics cũng như Trung tâm dịch vụ logistics; những thông tin về phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; những kỹ năng quan trọng trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng logistics. Ái Hằng – P.QLTM
Bài mới hơn
Bài cũ hơn
|